Tranh cãi việc bổ sung tổ hợp xét tuyển ngành Y không có môn Sinh học
Các chuyên gia cho rằng các trường Y dược nên tuyển những thí sinh có năng lực về mặt Sinh học sẽ tốt hơn nhiều so với những người không có năng lực về môn này. Khi chăm sóc sức khỏe con người mà không hiểu, hoặc không có năng khiếu thì rất khó làm tốt.
Năm 2022, thay vì sử dụng duy nhất tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) để xét tuyển ngành y khoa, nhiều trường đại học đào tạo về Y dược bất ngờ sử dụng nhiều tổ hợp mới để xét tuyển, trong đó không có môn Sinh học – môn truyền thống của khối ngành sức khỏe.
Với đặc thù đào tạo nhân lực về chăm sóc sức khỏe của con người, ngành Y khoa được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc thay đổi tổ hợp xét tuyển cũng khiến không ít chuyên gia đưa ra các ý kiến trái chiều, trong đó có cả băn khoăn liệu đầu vào tuyển sinh bằng những tổ hợp mới có đảm bảo chất lượng với ngành học có yêu cầu rất cao như Y khoa?
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng: “Bác sĩ là người làm công việc chăm sóc sức khỏe người bệnh, bản chất của con người cũng là một sinh vật, như vậy bác sĩ phải hiểu được người bệnh dưới những góc độ kiến thức sinh học. Do đó việc có kiến thức môn Sinh sẽ rất thuận lợi cho sinh viên trong quá trình chăm sóc người bệnh, phấn đấu cho sự nghiệp. Theo tôi các trường cần cân nhắc kỹ đến vấn đề này”.
Một số trường đại học lý giải rằng quá trình tuyển sinh quan trọng nhất là đánh giá được tư duy, năng lực của thí sinh, những kiến thức về Sinh học hay Hóa học đều sẽ được các trường dạy ngay trong năm đầu tiên. Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, việc sinh viên có năng lực về môn Sinh học hay không và việc nhà trường sẽ đào tạo môn này trong quá trình giảng dạy là 2 việc khác nhau: “Tôi cho rằng nên xác định tuyển thí sinh có năng lực về mặt Sinh học sẽ tốt hơn nhiều so với những người không có năng lực về môn này. Khi chăm sóc sức khỏe con người mà không hiểu, hoặc không có năng khiếu về chăm sóc con người thì rất khó”.
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng cho rằng, trong tuyển sinh ngành Y cần đặc biệt quan tâm, coi việc nâng cao chất lượng đầu vào là mục tiêu đầu tiên của mỗi trường. Nhân lực đào tạo từ các trường Y sẽ đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sinh mạng của người bệnh, trong những tình huống gay cấn nhất, bác sĩ phải là người có năng lực quyết định những phương pháp điều trị và bảo đảm đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Do đó, ngành Y luôn cần những người thực sự có năng lực. Tùy thực tế từng trường cần lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp, song mục tiêu cuối cùng của các phương án này không chỉ là tuyển đủ sinh viên mà còn cần tuyển được những người giỏi thực sự và phù hợp với ngành nghề này.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cũng cho rằng, trong xét tuyển ngành Y, các trường vẫn nên giữ các môn xét tuyển truyền thống bởi liên quan trực tiếp đến việc ôn luyện của thí sinh.
“Nhiều năm nay thí sinh vẫn ôn khối B00 để xét tuyển vào ngành Y. Việc thay đổi khối thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ôn thi của thí sinh. Có thêm các tổ hợp xét tuyển mới cũng đồng nghĩa với việc chỉ tiêu tuyển sinh theo khối truyền thống B00 cũng sẽ phải giảm hơn so với các năm trước. Tôi cho rằng, nếu muốn thay đổi, các trường nên thực hiện theo lộ trình, mỗi năm dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức mới, qua đó dần dần đánh giá hiệu quả và tăng chỉ tiêu theo thời gian để thí sinh có định hướng và sự chuẩn bị sớm ngay từ đầu bậc THPT”, thầy Đinh Đức Hiền nói.
Bên cạnh đó, thầy Hiền cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng, thí sinh xét tuyển các khối không có môn Sinh thường sẽ không có lợi thế hay đam mê với môn học này. Trong khi đó, y học cần kiến thức rất lớn về sinh học. Ngoại ngữ thực sự quan trọng, song chỉ là công cụ để sinh viên tiếp cận những kiến thức mới, hội nhập và hoàn toàn có thể trau dồi trong quá trình học tại trường.
“Việc tuyển sinh ngành Y bằng nhiều tổ hợp khác, dường như các trường đang muốn giải bài toán cạnh tranh trong tuyển sinh, làm sao để tuyển được nhiều sinh viên vào ngành học đó hơn là mục đích nâng cao chất lượng ngành Y. Các trường nói rằng cần tuyển những thí sinh có tư duy tốt, điều này đúng, có tư duy có thể học được bất cứ ngành nào. Nhưng việc có thể kiên trì theo đuổi ngành nghề nào đó hay không lại là câu chuyện khác.
Xưa nay có mấy thí sinh không học khối B00 nhưng lại có định hướng và muốn theo đuổi ngành Y? Vậy nếu ngay từ đầu thí sinh chưa có định hướng thì có sẵn sàng theo đuổi hay không trong khi đây là ngành học có số năm đào tạo dài nhất, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.Tôi cho rằng đây đơn thuần là câu chuyện muốn tăng khả năng tuyển sinh chứ chưa thực sự hướng đến chất lượng ngành Y. Nếu muốn tăng chất lượng đầu vào, có lẽ các trường sẽ cần phương thức tuyển sinh riêng”, thầy Hiền nói./.
(Tại ĐH Y dược Thái Bình, năm 2022 lần đầu tiên bổ sung thêm các tổ hợp xét tuyển với ngành Y khoa đào tạo bác sĩ đa khoa. Ngoài tổ hợp truyền thống B00 (Toán, Hóa, Sinh), nhà trường còn xét tuyển 2 tổ hợp mới D07 (Toán, Hóa, Anh) và D08 (Toán, Sinh, Anh).
Tương tự, ĐH Y dược Thái Nguyên cũng tuyển sinh với 3 tổ hợp B00, D08 và D07.
Tại trường ĐH Y tế công cộng, ngành Y tế công cộng cũng xét tuyển khối thi không có môn Sinh, cụ thể là D01 (Toán, Văn, Anh). Các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học còn tuyển thêm khối A01 (Toán, Lý, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh), ngành Dinh dưỡng xét tuyển các tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng xét tuyển tổ hợp A00, D01, A01).
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận