Siêu thị ‘kiềm giá’ thực phẩm trước tác động giá xăng tăng
Giá thực phẩm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi rẻ hơn ngoài chợ truyền thống là khẳng định của nhiều người tiêu dùng hiện nay. "Ở chợ cóc, các mặt hàng từ bún, miến, gạo, dầu ăn đến rau, củ đều tăng từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, đẩy giá hàng hóa cũng tăng theo. Nhưng khi mua tại siêu thị cùng mặt hàng này, tôi thấy giá rẻ hơn nhiều và còn có nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà khi khách hàng mua sắm", bà Ngô Thị Châm, trú tại phường Thụy Khuê, Tây Hồ cho hay cho hay.
Cũng thường xuyên đi siêu thị mua hàng, chị Nguyễn Thị L. (Ngọc Thụy, Long Biên) chia sẻ: "Tôi thường mua thức ăn từ thịt, các đến các loại rau, trái cây tươi tại siêu thị gần nhà. Quả thực mặc dù đợt này xăng dầu có tăng giá nhưng giá thực phẩm tại siêu thị vẫn rất "mềm".
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào bột mì và bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới. Dự kiến khoảng cuối tháng 3/2021 các siêu thị sẽ đồng loạt nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao.
Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng tạp hoá trên địa bàn Hà Nội cho biết, sau kỳ điều hành xăng dầu 21/2 một số nhà cung cấp đã rục rịch thông báo tăng giá từ 5% đến 7% đối với một số mặt hàng như dầu ăn, đường, mỳ chính...
Thực tế cho thấy, tại hệ thống chợ dân sinh, mặt hàng rau đã tăng giá, như bắp cải từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ. Các loại rau khác trước đây được bán bình quân với giá 8.000 đồng đến 10.000 đồng/bó, nay tăng thêm 2.000 đồng đến 3.000 đồng/bó.
Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước; gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg với giá bán từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg.
Cố gắng để có mức giá hợp lý cho người tiêu dùng
Giám đốc siêu thị MM Mega Market Hoàng Mai Tạ Trung Hiếu thông tin, nhằm tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, doanh nghiệp đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để trì hoãn việc tăng giá, hoặc có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho khách hàng.
Riêng với các nhóm hàng như dầu gội, sữa tắm, máy giặt, thời trang… siêu thị đã chốt đơn hàng cung ứng trước 3 tháng với nhà cung cấp nên giá cả sẽ không tăng ngay.
"Thời gian tới, hàng hóa nếu có tăng giá sẽ chủ yếu rơi vào nhóm hàng tươi sống, nhưng mức giá cũng tăng không đáng kể. Chẳng hạn với mặt hàng thịt lợn, hiện giá lợn hơi đang duy trì mức từ 50.000 đồng đến 54.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg nên mặt hàng này khó có thể tăng giá đột biến", ông Hiếu nói.
Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới.
Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết siêu thị nhận công văn đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.
Tương tự, bên cạnh áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT cho trên 20.000 sản phẩm, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market còn triển khai thêm các chương trình khuyến mãi giảm giá 49% đối với hàng ngàn mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm…
Hệ thống siêu thị WinMart cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Đại diện WinMart thông tin, chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ luôn bảo đảm cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay không có tình trạng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, tăng giá, có được như vậy là bởi các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận