Dùng máy đo SpO2 thế nào cho chuẩn xác?
Những ngày qua, dịch Covid-19 tại Hà Nội và nhiều địa phương đang rất “nóng”, tuy vậy, xác định sống chung với dịch bệnh trong hoàn cảnh “bình thường mới”, không ít người dân đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng “đối mặt” với SARS-CoV-2.
Ngoài kit test nhanh kháng nguyên, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay cũng đang được người dân “săn tìm”.
Chị Hồ Thị Xuân Hương, 46 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mắc Covid-19 cách đây vài ngày, triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà, nhân viên y tế hướng dẫn chị mua máy SpO2 về tự theo dõi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chị Hương thấy có quá nhiều dòng máy khác nhau, giá cả “nhảy múa” và rất khó để phân biệt loại nào tốt, loại nào không. “Bạn bè mua rất nhiều, có những mặt hàng giá thành thấp hơn hoặc cao hơn nhưng nhiều máy không chất lượng ví dụ hàng xóm nhà mình mua về, đo 1-2 ngày đầu thì được nhưng những ngày sau thì sai chỉ số, làm cho người bệnh rất lo lắng, thậm chí hốt hoảng lên đòi đi viện nhưng mãi sau mới phát hiện ra”-chị Hương cho biết.
Tuy việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản, thế nhưng khi trong nhà có trẻ nhỏ dương tính với SARS-CoV-2, chị Lê Minh Ngọc ở Gia Lâm mới bắt đầu “hoảng”. Bé nhỏ hơn 1 tuổi quấy khóc, không hợp tác khi mẹ chạm bất cứ thứ gì vào người.
Một thiết bị hữu ích và đơn giản nhưng khi vào thực tế mới thấy có rất nhiều vấn đề khiến người dân hoang mang. Vì vậy, người dân cần thực hiện đo đúng cách để có được kết quả chuẩn xác.
Ths-BS Vũ Minh Điền - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, thể hiện tình trạng oxy trong máu... Khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay hoặc ngón chân, đầu dò cảm ứng của máy đo sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có nhiều mao mạch nhỏ. Hồng cầu có trong các mao mạch sẽ hấp thu một phần ánh sáng hồng ngoại. Từ lượng ánh sáng chưa bị hấp thu còn lại, máy đo SpO2 kẹp ngón sẽ tính ra số lượng hồng cầu chứa oxy, thể hiện phần trăm độ bão hoà oxy trong máu mao mạch.
Hiện nay, khi số ca Covid-19 tăng cao, nhu cầu của người dân đối với máy đo SpO2 cầm tay cũng tặng mạnh, tuy nhiên, nhiều người lo lắng liệu loại máy nhỏ gọn cầm tay như vậy thì độ chính xác có cao? Theo BS Vũ Minh Điền, hiện trên thị trường có rất nhiều loại máy đo SpO2, tuy nhiên, chất lượng không đồng đều. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, BS Vũ Minh Điền khuyên người dân nên chọn loại máy đã được dán tem kiểm định chất lượng và bán tại các cửa hàng có uy tín.
Thực hiện đo SpO2, người bệnh thực hiện theo các bước sau:
· Bước 1: Chuẩn bị tình trạng máy. Đảm bảo pin, ánh sáng hồng ngoại hoạt động tốt.
· Bước 2: Mở kẹp máy đo ra, sau đó đặt một ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu của ngón tay chạm đến được điểm tận cùng của máy (có thể kẹp vào dái tai hoặc ngón chân).
· Bước 3: Khởi động máy bằng cách bấm nút nguồn. Khi máy đo cần ngồi im, hạn chế cử động bàn tay. Sau vài giây, trên màn hình của sẽ hiển thị kết quả đo.
· Bước 4: Sau khi đo xong chỉ cần rút ngón tay ra khỏi máy và máy sẽ tự động tắt sau một thời gian ngắn (khoảng vài giây đến 1 phút) hoặc có thể lưu chỉ số đã đo vào máy để theo dõi, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Ở người trưởng thành trong điều kiện thở oxy khí trời, dựa vào chỉ số sau khi đo SpO2, chúng ta có thể biết được tình trạng của bệnh nhân như sau:
- SpO2 từ 97 – 99%: Độ bão hoà oxy trong máu bình thường.
- SpO2 từ 94 – 96%: Độ bão hoà oxy trong máu ở mức trung bình, tùy từng trường hợp bệnh lý cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân hỗ trợ thở oxy hay không.
- SpO2 từ 90 – 93%: Độ bão hoà oxy trong máu ở mức thấp, có dấu hiệu suy hô hấp, cần phải cho bệnh nhân hỗ trợ thở oxy và cần phối hợp thêm với bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
- SpO2 < 90%: Đây là biểu hiện của một ca cấp cứu lâm sàng.
- Nếu bệnh nhân đã hỗ trợ thở oxy nhưng SpO2 < 95%, cần nâng cấp độ thở oxy và theo dõi sát.
Đối với trẻ sơ sinh thì chỉ số SpO2 > 94% được xem là mức an toàn. Nếu chỉ số SpO2 < 90% cần phải báo ngay cho bác sĩ để can thiệp và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các máy đo SpO2 còn cho biết nhịp tim/ phút. Chỉ số bình thường đối với người lớn trong điều kiện nghỉ ngơi từ 60-90 nhịp/phút. Trẻ càng nhỏ nhịp tim sẽ đập nhanh hơn. Trẻ từ 1-3 tuổi 80-130 nhịp/phút, trẻ từ 3-5 tuổi 80-120 nhịp/phút, trẻ 6-10 tuổi 70-110 nhịp/phút.
Đặc biệt, theo BS Vũ Minh Điền, bên cạnh việc thực hiện các bước theo hướng dẫn, người dân cần lưu ý một số yếu tố để việc đo SpO2 tránh gây ra kết quả sai lệch:
- Để ngón tay vào đúng vị trí theo hướng dẫn sử dụng
- Tránh cử động nhiều, liên tục, hạn chế cử động bàn tay
- Ngồi đo với tư thế thoải mái
Đối với trẻ nhỏ để đo được chính xác, người lớn cần giúp các bé:
- Hợp tác khi đo, tránh giãy khóc
- Đo tại ngón chân đối với trẻ quá nhỏ
Khi bệnh nhân bị giảm chỉ số SpO2 dưới 95%, người nhà cần theo dõi và gọi điện cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận