Chủ tịch nước dự Lễ thông xe kỹ thuật Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng vốn điều chỉnh lần cuối là trên 12.200 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 2.186 tỉ đồng.
Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh phía Nam, sáng 19/1, tại tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thông xe kỹ thuật tuyến chính cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, phục vụ lưu thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; một số lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thông xe kỹ thuật Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Được khởi công tháng 11/2009, nhưng suốt gần 10 năm đầu triển khai, qua 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành, dự án vẫn chỉ hoàn thành được 10% khối lượng.
Trong bối cảnh đó, tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành. Với tinh thần “ba xuyên” là “xuyên đêm”, “xuyên lễ, tết”, “xuyên dịch”, sau hơn một năm rưỡi thi công, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ.
Trong 2 năm 2020 - 2021, dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, có ca công nhân mắc COVID-19, Tập đoàn đã bố trí, điều động nhân sự thay thế để hoàn thành tiến độ dự án. Sau gần 3 năm triển khai, đến hôm nay, dự án thông xe kỹ thuật tuyến chính tuyến chính, trước mắt phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nhâm Dần và các phần việc còn lại sẽ tiếp tục thi công để hoàn tất vào tháng 3 năm nay.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng vốn điều chỉnh lần cuối là trên 12.200 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 2.186 tỉ đồng.
Hình ảnh đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hạ tầng giao thông là nút thắt quan trọng nhất đối với đồng bằng sông Cửu Long, và việc dự án chậm tiến độ nhiều năm khiến nhiều hộ dân bức xúc. Do đó, Chính phủ đã có những bước quyết định mạnh mẽ trong lúc công trình dở dang, kéo dài, đó là giao UBND tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, giao Tập đoàn Đèo Cả quản trị điều hành.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang, các nhà thầu, Tập đoàn Đèo Cả để giải quyết vấn đề khó khăn về vốn, vật liệu làm nền đường. Với sự quyết tâm cao của Trung ương, của chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, giúp cho dự án triển khai nhanh chóng.
Cho rằng công trình hoàn thành là một thắng lợi của ý chí, quyết tâm, một tinh thần trách nhiệm cao của chủ đầu tư là UBND tỉnh Tiền Giang, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của 3.300 hộ dân đã sẵn sàng giao đất cho dự án. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thi công ngày đêm, xử lý các vấn đề đặt ra, kể cả trong dịch bệnh, để thông xe kỹ thuật hôm nay.
Từ việc thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành Giao thông vận tải tiếp tục đẩy nhanh cầu Mỹ Thuận và triển khai ngay, kịp thời, đảm bảo chất lượng tuyến cao tốc 46km đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ. Đến nay có gần 40% đoạn cầu đã hoàn thành, cuối năm có thể làm toàn tuyến. Đi liền với đó tiếp tục khởi công đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đã có chủ trương. Đặc biệt đường ven biển đã được Chính phủ và Quốc hội thống nhất thì công bố sớm làm toàn bộ tuyến phía Tây biển Đông.
Bên cạnh 1.400km cao tốc đã hoàn thành, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành giao thông vận tải và các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các tuyến cao tốc khác theo kế hoạch để hoàn thiện nốt 700km còn lại. Cùng với đó cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các sân bay, cảng biển, logistic, tạo thuận lợi cho vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước thông thương thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Bộ Giao thông vận tải cũng nghiên cứu xây dựng đường cao tốc tốc độ cao đoạn TP.HCM đi Cần Thơ để phát triển chuỗi đô thị của vùng.
*** Trước đó trong sáng nay, trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng, thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng, thành phố Cần Thơ
Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ được khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, hiện cơ bản đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Khu vực đền thờ Vua Hùng ở Cần Thơ gồm: đền chính là khối tròn đặt trên khối đế hình vuông và tất cả đặt trong nền hồ nước cảnh quan hình tròn mang lại nét đặc trưng vùng ÐBSCL. Cụm đền chính có thiết kế mang ý nghĩa biểu tượng cho "trời tròn, đất vuông". Khối đền chính được bao bọc bởi 18 cánh cung có điêu khắc hoa văn, mang ý nghĩa tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Các cánh được xây dựng trên 54 khoảng bằng nhau của hình tròn, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em nước Việt.
Gian thờ chính với kiến trúc thiết kế uy nghi, trang trọng là nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc hầu, Lạc tướng. Trong chính điện có đôi câu đối lớn: Hoa gấm Văn Lang các Vua Hùng đã có công dựng nước – Đất Cửu Long, dân Tây Đô đời đời nhớ ơn”. Đền còn có trung tâm quảng trường là nhà đặt bia được thiết kế theo kiến trúc gỗ; có hồ nước bao quanh cụm đền chính có 54 cột trụ tượng trưng cho 54 dân tộc cùng nhau bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận