Quốc hội chính thức thông qua gói Hỗ trợ phục hồi KT-XH gần 350.000 tỷ đồng
Với 424/426 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 84,97%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 11/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 84,79% đại biểu Quốc hội).
Gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.
Về chính sách tài khoá gồm miễn, giảm thuế; đầu tư phát triển và các chính sách tài khoá khác, Nghị quyết nêu rõ, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị quyết cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó, về y tế sẽ bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.
Cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm;
Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng.
Liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Nghị quyết nêu rõ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
Quốc hội nhất trí bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nghị quyết yêu cầu ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn;
Trường hợp bố trí vốn cho các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: chỉ bố trí cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng;
Ngoài ra, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021);
Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Về chính sách tiền tệ, sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết...
Nghị quyết cũng cho phép áp dụng các chính sách khác để thực hiện Chương trình tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Như sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1.000 tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;
Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh” – nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Không tách giải phóng mặt bằng ra khỏi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Trước đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, lấy dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 làm thí điểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tách thành các dự án độc lập sau khi đã xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện, tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng còn chậm. Đối với các dự án đường giao thông (dạng tuyến) do phạm vi dự án trải dài và đi qua nhiều địa phương với địa hình phức tạp, phạm vi giải phóng mặt bằng thường chỉ được xác định khi quyết định đầu tư dự án. Vì vậy, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án do chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ nguyên nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, sẽ lưu ý Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình; hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này gắn với trách nhiệm cụ thể, bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023; Riêng đối với chính sách tài khóa quy định tại các điểm 1.2 và 1.3 khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.
Chính phủ hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết này; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022 và 2023 và báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận