Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông: Công an, thanh tra, kiểm toán tham gia từ khâu lập dự án
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể khi giải trình trước Quốc hội đối với các ý kiến của đại biểu về Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn II.
Chiều 10/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, thay mặt cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tổng hợp đề xuất liên quan đến Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía đông, khẳng định sẽ xem xét lại tổng thể để tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng, tâm huyết của đại biểu Quốc hội, để giai đoạn 2 của dự án được triển khai tốt nhất.
Để các đại biểu Quốc hội nắm kỹ hơn và có thể đưa ra quyết định vào chiều ngày 11/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cung cấp thêm một số thông tin.
Phấn đấu tới cuối 2023 hoàn thành xong giải phóng mặt bằng
Về vấn đề tổng mức đầu tư của dự án, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã tính toán suất đầu tư của từng cây cầu, từng ki lô mét hầm, từng cống, kể cả địa chất thủy văn và tính toán của tư vấn là có căn cứ cơ sở”.
Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu, Bộ trưởng cho biết còn phải thuê tư vấn lập dự án, khi đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình, sau đó là bước thiết kế kỹ thuật và dự toán, cuối cùng mới là chỉ định thầu hoặc đấu thầu. “Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.
Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Cao tốc Bắc Nam phía Đông, đã nằm trong quy hoạch giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 9, theo đó sẽ tiến hành thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ đối với toàn bộ phần đất thu hồi. Do đó không phải giải phóng nhiều lần và cũng không sợ lấn chiếm phần đất đã thực hiện thu hồi.
“Đặc biệt trong công tác tái định cư, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến tính toán để phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng những khu tái định cư rộng hoặc nhiều dẫn đến lãng phí mà lại làm tăng suất đầu tư”, Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Giao thông-Vận tải cũng đề nghị chính quyền các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh hỗ trợ chỉ đạo đôn đốc, để tới tháng 6/2022 sau khi phê duyệt dự án sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương, việc giải phóng mặt bằng tập trung làm trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ. Chính phủ sẽ có cuộc họp giao ban để kiểm tra, chỉ đạo việc này.
Nhấn mạnh các cơ chế đặc thù đối với dự án này là rất cần thiết, bởi nếu không, việc chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp sẽ mất rất nhiều thời gian, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu Quốc hội ủng hộ thì có thể rút ngắn thời gian, mỗi bước đấu thầu mất khoảng 2 tháng, như vậy sẽ tiết kiệm được ít nhất 6-9 tháng, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ.
Về vấn đề mỏ đất, rút kinh nghiệm bài học của giai đoạn I, giai đoạn II đã giao nhiệm vụ cho tư vấn ngay từ bước lập dự án xác định đầy đủ các mỏ đất, những mỏ đất đang khai thác thì mở rộng được bao nhiêu, những mỏ đất nằm trong quy hoạch đã có rồi thì sẽ làm thủ tục mở ngay, những chỗ chưa có đủ mẫu đất thì phải khảo sát địa chất để bổ sung mỏ và đưa vào quy hoạch của địa phương, và sẽ tiến hành mở các mỏ đất để đáp ứng yêu cầu.
Khẳng định sẽ lưu tâm đặc biệt vấn đề đường công vụ, đường gom, đường dân sinh bởi chúng ta đã có hệ thống đường cao tốc hơn 1.000 km; những vấn đề liên quan đến đường gom, đường dân sinh sẽ rút bài học kinh nghiệm để làm sao đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, kể cả những hầm chui.
Riêng đường công vụ, Bộ Giao thông-Vận tải sắp tới sẽ đề xuất cho đơn vị thi công ký quỹ để đảm bảo mà khi công trình kết thúc mà không sửa chữa đầy đủ thì sử dụng quỹ này để khắc phục.
“Công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ khâu lập dự án”
“Về công khai, minh bạch, rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn I, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu. Ở giai đoạn I, C01, C03 đã tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án tổ chức đấu thầu, sắp tới có thêm kiểm toán nữa thì rất tốt”, ông Thể thông tin.
Về biện pháp thi công, Bộ trưởng khẳng định dự án sẽ ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, những vùng đất yếu, sẽ sử dụng một số hình thức gia cố, trong đó có gia cố đất, xi măng, rút ngắn được thời gian gia cố để đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.
Liên quan việc thu hồi đất rừng, đất lúa, Bộ trưởng cho biết, do giai đoạn này chưa có tư vấn cũng như hướng tiến chưa cụ thể nên đề nghị Quốc hội ủng hộ để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi phê duyệt dự án.
Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo sẽ ban hành một quy chế quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ Giao thông-Vận tải và của các bộ, ngành, đặc biệt liên quan tới từng hạng mục công việc, trong đó có giải phóng mặt bằng, thời điểm nào làm xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào là phải có nhà thầu, thời điểm nào khởi công…
“Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm để tập trung thi công để cuối năm 2025 phải xong, nghĩa là cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Về vấn đề chỉ định thầu, Bộ trưởng khẳng định sẽ được thực hiện đúng luật, nhà thầu phải có hồ sơ yêu cầu năng lực và có đầy đủ các tiêu chí, việc chỉ định thầu được công bố công khai, rộng rãi, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp đăng ký thực hiện tham gia sẽ được xét tuyển đàng hoàng. Chính phủ dự kiến sẽ thành lập một hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch trong vấn đề này./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận