3 điểm quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 đợt 4
Tại Hội nghị sơ kết công tác điều trị COVID-19 được tổ chức trực tuyến tới hơn 700 điểm cầu trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - người "cắm chốt" tại địa bàn nóng nhất trong đợt dịch lần thứ 4 là TPHCM, đã chia sẻ 3 điểm quan trọng được thực hiện trong quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, giúp giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong.
Trong thu dung, điều trị bệnh nhân, Bộ Y tế đã cập nhật tới phiên bản thứ 6 hướng dẫn điều trị căn bệnh mới có nhiều biến đổi này. Mỗi lần cập nhật là có những thay đổi, bổ sung về phương pháp điều trị, việc sử dụng các loại thuốc... Tiểu ban điều trị COVID-19, cùng các cơ sở y tế thường xuyên, liên tục trao đổi và áp dụng nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong đợt dịch này chúng ta đã thực hiện 3 điểm quan trọng trong điều trị nhằm giúp giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong. Đó là đưa gói thuốc thông thường tới người bệnh, gồm thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc tăng cường sức đề kháng; đưa gói thuốc kháng viêm, kháng đông tới người dân và có hướng dẫn sử dụng của thầy thuốc; thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị bệnh nhân.
Đến này, chương trình thí điểm thuốc Molnupiravir đã triển khai khoảng 250.000 liều. Kết quả sơ bộ chương trình thí điểm này rất khả quan: Sau 5 ngày sử dụng thuốc, tỉ lệ âm tính của người bệnh từ 72-93%, tỉ lệ tử vong giảm 50% so với người không sử dụng thuốc này.
Thứ trưởng cũng chia sẻ, bên cạnh thuốc Molnupiravir, nhiều thuốc khác có hứa hẹn tốt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, như Remdesivir, thuốc kháng thể đơn dòng kép... Những thuốc này cũng đem lại thành công trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế hiện nay.
Hết tháng 11 này, ngành y tế sẽ có điều chỉnh trong xây dựng chiến lược tổng thể phòng chống COVID-19 và sẽ có thay đổi đánh giá tiêu chí xác định cấp độ dịch. Ngày 30/11, cơ bản chúng ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu về vaccine, tức là 70% người dân trên 18 tuổi, bao gồm cả đối tượng trên 65 tuổi được tiêm vaccine COVID-19, nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong.
“Trong điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành y tế sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc cung ứng thuốc để điều trị bệnh nhân. Việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại cơ sở cũng rất quan trọng. Các trung tâm điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn rất cần”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 24/11, thế giới ghi nhận 259.206.755 ca mắc, 5.186.742 ca tử vong, 234.527.419 ca khỏi bệnh. Tình hình dịch trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay đã ghi nhận 1.155.778 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; với tỷ lệ số ca nhiễm/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.728 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.150.625 ca, trong đó có 934.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cũng trong đợt dịch lần thứ 4, tính đến ngày 24/11, nước ta có 24.174 ca tử vong, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, tỉ lệ người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, bệnh nhân tử vong chủ yếu ở TPHCM (17.575 ca, chiếm 72,7%), tiếp đó là Bình Dương (10,8%), Đồng Nai (2,8%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)... Số ca tử vong mắc COVID-19 ở nước ta đứng thứ 9 trong khu vực châu Á, thấp hơn Trung Quốc, Myanmar, Indonesia, cao hơn Thái Lan, Malaysia, Philippines.
"Đợt dịch lần thứ 5 luôn rình rập chúng ta, vì vậy, chúng ta luôn phải cố gắng, không lơ là, sẵn sàng mọi tình huống ứng phó với đợt dịch thứ 5 nếu xảy ra", ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Hiền Minh ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận