Dự kiến mở lại nhiều tuyến tàu khách Thống Nhất từ ngày 7/10
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị cho ý kiến đối với kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, từ cuối tháng 8/2021, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã dừng chạy tàu khách trên tất cả các tuyến.
Để từng bước khởi động lại việc tổ chức chạy tàu khách trên các tuyến và thực hiện nghiêm quy định về hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức chạy tàu.
Cụ thể, tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 từ ngày 7-17/10 trong đó từ ngày 7/10 trở đi dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE7/SE8; từ ngày 8/10 trở đi dự kiến chạy lại đôi tàu SE5/SE6. Giai đoạn 2 từ ngày 18-27/10 dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE3/SE4.
Tuyến Hà Nội-Hải Phòng: giai đoạn 1 từ ngày 8/10 dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SP5/SP6. Giai đoạn 2 từ ngày 18/10 trở đi dự kiến chạy lại đôi tàu LP33/8; đôi tàu HP2/LP7 vào các ngày cuối tuần. Tuyến Hà Nội-Vinh từ ngày 8/10 dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu NA1/2.
Tuyến Đà Nẵng-Sài Gòn từ ngày 15/10 trở đi dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE21/SE22. Tuyến Nha Trang-Sài Gòn từ ngày 1/11 dự kiến chạy lại đôi tàu SNT1/2. Tuyến Phan Thiết-Sài Gòn chạy lại đôi tàu SPT1/2.
Từ ngày 1/12 trở đi, đường sắt dự kiến chạy lại các đôi tàu khách theo quy định biểu đồ chạy tàu. Ngoài ra, đường sắt còn tổ chức chạy thêm một số chuyến tàu khách trên tuyến Sài Gòn-Nha Trang, Sài Gòn-Phan Thiết khi có nhu cầu.
Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương để tổ chức hoạt động vận tải hành khách kết nối giữa vận tải đường bộ và đường sắt.
“Việc tổ chức chạy tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện đúng quy định tại hướng dẫn tạm thời và các quy định khác có liên quan để đảm bảo an toàn thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ông Khôi yêu cầu.
Tại các ga dừng đỗ, đón trả khách trên các tuyến theo kế hoạch tạm phải được chính quyền địa phương nơi có ga đón trả khách chấp thuận và có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đảm bao an toàn; nghiêm cấm việc dừng đỗ để đón trả khách trên các ga không có trong kế hoạch tạm thời này.
Trước đó, tối 30/9, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bộ GTVT đưa 4 cấp độ nguy cơ để áp dụng tổ chức chạy tàu khách. Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo kế hoạch, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Đối với các địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường sắt được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): được hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có ga đường sắt (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện số đôi tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận