Cách ly xã hội về bản chất không phải là hạn chế quyền tự do đi lại
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, không phải là hạn chế quyền tự do đi lại.
Những ngày qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh ỏ khu vực phía Nam …đã tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đại bộ phận người dân tuyệt đối chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng nhằm chung tay đẩy lui dịch bệnh thì vẫn có những ý kiến đi ngược lại số đông, cho rằng cách ly xã hội là hạn chế quyền tự do đi lại của người dân. Quan điểm đó có đúng không, hay chỉ là luận điệu “nói lấy được”, đi ngược lại lợi ích của số đông?
Nhấn mạnh, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý được quy định trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007, PGS TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng nếu được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, hoàn toàn không phải là ngăn cấm giao thông, càng không phải “ngăn sông cấm chợ” hay phong toả xã hội. Do vậy, hiểu cách ly xã hội hạn chế quyền tự do đi lại của người dân là cách hiểu sai về bản chất.
TS Trần Đắc Phu bày tỏ: "Năm 2007, Quốc hội đã có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó quy định rất rõ trong trường hợp bùng phát dịch bệnh phải thực hiện một cách nghiêm ngặt việc cách ly y tế, tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Trong phòng chống dịch, yêu cầu các cấp các ngành phải thực hiện nghiêm để đẩy lui dịch bệnh. Mà các nước cũng đều làm thế cả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chứ không phải mỗi chúng ta".
Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, ngay điều 1, về các giải pháp cấp bách đã chỉ rõ: căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS, rõ ràng cách ly xã hội để phòng chống dịch là hoạt động đúng luật, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nghị quyết 30 và gần đây nhất là Nghị quyết 86 của Chính phủ và Luật truyền nhiễm 2007 đều quy định rất rõ về cách ly xã hội. Do vậy, cách hiểu đó là hoàn toàn sai và đi ngược lại lợi ích của số đông.
Khẳng định giãn cách xã hội là giải pháp cần thiết và hoàn toàn đúng luật, TS Lê Thanh Vân, đại biểu QH khóa XV cho rằng: hiểu cách ly xã hội hạn chế tự do đi lại của người dân là cách hiểu sai cơ bản về chức năng của Nhà nước trong những tình huống cần thiết như dịch bệnh lây lan. Trong những tình huống đó, việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết:
Lối hiểu cách ly xã hội ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người dân là hiểu sai chức năng của Nhà nước. Trong điều kiện dịch bệnh, không thể để tự do của người này ảnh hưởng đến tự do, sức khỏe và tính mạng của người khác. Hiểu thế là trái với quyền tự do cá nhân, quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Như vậy, giải pháp giãn cách là hoàn toàn đúng luật và là giải pháp cần thiết được Nhà nước đưa ra trong điều kiện dịch bệnh lây lan để bảo vệ cộng đồng. Do vậy, quan điểm cho rằng cách ly xã hội là hạn chế tự do đi lại của công dân là cách hiểu hẹp hòi, ích kỷ và đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận