Thủ tướng: Tăng cường công tác dân vận, kêu gọi người dân bảo vệ sức khoẻ của chính mình
Thủ tướng yêu cầu Ban Dân vận T.Ư, MTTQ Việt Nam cần tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức vì sức khoẻ của chính mình, vì sức khoẻ của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước.
Chiều 18/8, phát biểu kết luận tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương (T.Ư), Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm lo đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ phối hợp tốt với Ban Dân vận T.Ư, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời khẳng định vai trò to lớn của công tác dân vận trong vận động, tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức vì sức khoẻ của chính người dân, vì sức khoẻ của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước.
Cùng dự có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động nhân dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở các địa phương; kiến nghị Chính phủ thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng đang gặp khó khăn vì giãn cách xã hội, nhất là lao động đang bị mất việc; Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ của Chính phủ; Chính phủ cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch; khẩn trương tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên, cần thiết...
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên tuyền, cung cấp thông tin, củng cố niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống dịch; quan tâm đặc biệt tới lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, ưu tiên điều trị cho các y bác sĩ bị nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. Ông Đỗ Văn Chiến khẳng định MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tổ chức tốt hơn các Tổ COVID-19 cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng số kinh phí quyên góp được để kịp thời hỗ trợ người dân với các thủ tục đơn giản nhất.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay với biến chủng mới, Việt Nam phải có cách tiếp cận mới, tiếp tục hoàn thiện để phục vụ nhân dân tốt hơn. Việt Nam quyết tâm xây dựng một Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Tiếp tục phát huy thành quả đạt được, phát huy hơn nữa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thông qua MTTQ, đoàn thể chính trị xã hội, tham gia góp ý, phản biện. Thủ tướng khẳng định, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của công cuộc chống dịch.
Chính phủ cần xác định rõ đây là vừa là thời cơ, thuận lợi vừa là khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Từ đó xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cao hơn, mạnh hơn; đã đoàn kết phải đoàn kết hơn, nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên chỉ đạo, bám sát thực tiễn. Đánh giá cao nỗ lực của Ban Dân vận T.Ư, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã vào cuộc tích cực, tự giác, trên tinh thần coi sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, Thủ tướng nêu rõ, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước cần bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về công tác dân vận. MTTQ từ T.Ư đến cơ sở đã đoàn kết hội viên, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh trước đây cho thấy, việc huy động sức dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phải kêu gọi người dân vào cuộc để bảo vệ chính họ.
“Bác Hồ đã nói rồi "dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" Bác cũng dặn luôn là "lực lượng của dân là rất to lớn, việc dân vận rất quan trọng, không thể chỉ dùng báo chương sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ đó lợi ích cho họ, là nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”, ta không thể hô hào khẩu hiệu được, chúng ta phải vận động kêu gọi, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, hành động vì sức khỏe của chính họ, sức khỏe của cộng đồng, vì phát triển của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Do đó, toàn dân cần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường đôn đốc, giám sát; hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau. Chính phủ khẳng định hai việc cơ bản, một là, sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, tập trung cho phòng, chống dịch. Muốn thế phải bảo đảm không để bất kỳ ai “thiếu ăn, thiếu mặc”. Thứ nhất, cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát để thực hiện việc này. Thứ hai là đáp ứng yêu cầu về y tế cho người dân "mọi lúc, mọi nơi và mọi người". Chính quyền phải vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch. Phải bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an dân, thực hiện tốt các quy định chống dịch. Nếu thực hiện đồng bộ, tổng thể các biện pháp như 5K + vaccine + công nghệ sẽ đạt kết quả tốt trong phòng chống dịch; thần tốc xét nghiệm diện rộng, chấp nhận tốn kém, để phát hiện nguồn lây. Đây là quan điểm xuyên suốt, nhất quán.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ phối hợp tốt với Ban Dân vận T.Ư, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời khẳng định vai trò to lớn của công tác dân vận. Thủ tướng nhấn mạnh về nhiệm việc phát huy vai trò của Dân vận trong các tình huống phức tạp, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
“Tôi đề nghị Ban Dân vận tiếp tục phát huy vai trò của mình trong các tình huống phức tạp. Ban Dân vận chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt chính trị, tham gia lực lượng xung kích. Quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, Đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng các hình thức thiết thực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy ý chí quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo đồng thuận xã hội củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.” - Thủ tướng khẳng định.
Đối với Hội Cựu chiến binh, tinh thần vẫn là đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát huy các phong trào xung kích, cần tổ chức chặt chẽ và bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... cần “kích hoạt” toàn bộ hội viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Công đoàn cũng cần vận động đoàn viên tham gia đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cũng cần bám sát cơ sở.
Thủ tướng cũng lưu ý, trong tiếp nhận bệnh nhân cần nhấn mạnh tinh thần “nhập viện trước, thủ tục sau”, huy động các tổ chức y tế tư nhân, các nguồn lực khác. Củng cố, tăng cường năng lực y tế ở tuyến dưới; tăng cường sử dụng các nền tảng số; huy động sử dụng những người có kiến thức; hướng dẫn biện pháp tự điều trị trên các phương tiện truyền thông. Ngoài chữa bệnh cho các ca F0 tại bệnh viện và cách ly F0 tại nhà thì Bộ Y tế có thể cần nghiên cứu chữa bệnh cho các ca nhiễm ở bất cứ địa điểm nào có không gian thoáng đãng với tinh thần cách ly giữa người với người, thực hiện đông tây y kết hợp. Chính phủ vẫn phải thực hiện phòng bệnh là chính, kết hợp nhiều biện pháp chống dịch khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với những người tham gia tuyến đầu chống dịch, nhất là khen thưởng về tinh thần và vật chất, hình thức tôn vinh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận