Các biểu hiện của hội chứng "COVID-19 kéo dài"
Phần lớn những người mắc COVID-19 thường không gặp các triệu chứng nặng và có thể hồi phục tương đối nhanh. Nhưng những hệ quả của căn bệnh này có thể kéo dài kể cả khi bệnh nhân đã được xuất viện.
Các triệu chứng của “COVID-19 kéo dài”
Hội chứng “COVID-19 kéo dài” là thuật ngữ được dùng để chỉ những triệu chứng xuất hiện ở người mắc bệnh COVID-19 đã hồi phục. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, các triệu chứng này bao gồm mệt mỏi cực độ; khó thở hoặc thở gấp, tim đập dồn, đau tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung; thay đổi vị giác và khứu giác; cũng như đau khớp.
Nhiều khảo sát đã chỉ ra thêm các triệu chứng khác ở người đã hồi phục khỏi bệnh COVID-19 như ảo giác, mất ngủ, giảm khả năng nghe nhìn, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, các vấn đề về ngôn ngữ, các vấn đề về tiêu hóa và bài tiết, thay đổi kinh nguyệt và các vấn đề về da.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này khác nhau ở từng người, nhưng nhiều người cho biết chúng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của họ.
Nguyên nhân gây “COVID-19 kéo dài”
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể chắc chắn về nguyên nhân gây ra các triệu chứng hậu COVID-19.
Một giả thuyết cho rằng căn bệnh này đã khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị “quá khích”, không chỉ tấn công các virus mà còn tự tấn công các mô tế bào trong cơ thể. Điều này có thể xảy ra ở những người vốn có phản xạ miễn dịch rất mạnh.
Việc virus xâm nhập vào cơ thể và tấn công các tế bào có thể lý giải cho các triệu chứng như đầu óc mơ hồ hay mất vị giác và khứu giác. Mặt khác, các tổn thương mạch máu có thể dẫn đến các vấn đề về tim, phổi và não bộ.
Một giả thuyết khác cho rằng các tồn dư của virus còn sót lại trong cơ thể có thể được tái kích hoạt gây ra các triệu chứng nêu trên. Điều này đã xảy ra với các virus như herpes hay Epstein Barr, tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng khoa học của hiện tượng này đối với COVID.
Ai có thể gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài?
Rất khó để đưa ra các con số chính xác bởi các chuyên gia y tế mới chỉ bắt đầu ghi nhận các trường hợp COVID-19 kéo dài một cách chính thức. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp 10 nghiên cứu tại Anh được đăng trên trang web MedRxiv thuộc Đại học Yale, phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor và Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) đã chỉ ra rằng nguy cơ gặp hội chứng hậu COVID tăng theo độ tuổi và hội chứng này phổ biến ở nữ giới hơn ở nam giới.
Trẻ em ít có nguy cơ mắc COVID-19 hơn, do đó cũng ít có nguy cơ gặp các triệu chứng hậu COVID hơn. Một nghiên cứu của đại học King’s College London đã chỉ ra rằng các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em thường biến mất trong thời gian ngắn, chỉ có một số rất ít các bệnh nhi có triệu chứng kéo dài quá 8 tuần.
Tác động của vaccine
Khoảng một nửa số người gặp các triệu chứng hậu COVID-19 cho biết các triệu chứng của họ được cải thiện sau khi tiêm vaccine. Đây có thể là do vaccine đã giúp tái thiết lập phản xạ miễn dịch hoặc giúp cơ thể tấn công các tàn dư virus sót lại trong cơ thể. Tiêm vaccine cũng giúp phòng ngừa bệnh ngay từ ban đầu, qua đó loại bỏ luôn nguy cơ mắc các triệu chứng kéo dài./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận