Đề xuất sửa đổi định mức giờ giảng của giáo viên dạy nghề
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 350 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, từ 400 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải bảo đảm tối thiểu 30% định mức quy định.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 8/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH, định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học được quy định như sau: Từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Hiệu trưởng, giám đốc căn cứ vào tình hình thực tế của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đặc điểm của từng module, môn học, trình độ của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.
Tại dự thảo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất: Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 350 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, từ 400 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải bảo đảm tối thiểu 30% định mức quy định.
Hiệu trưởng, giám đốc căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quyết định định mức giờ giảng và số giờ tối thiểu mà nhà giáo phải giảng dạy cho phù hợp trong năm học.
Về định mức giờ giảng cho công chức, viên chức quản lý, viên chức các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có đủ tiêu chuẩn để tham gia giảng dạy nhằm nắm được nội dung, chương trình đào tạo và quá trình học tập của học viên, học sinh, sinh viên để nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo, theo quy định hiện hành như sau: Hiệu trưởng: 30 giờ chuẩn/năm; phó hiệu trưởng: 40 giờ chuẩn/năm; trưởng phòng và tương đương: 60 giờ chuẩn/năm; phó trưởng phòng và tương đương: 70 giờ chuẩn/năm; viên chức các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ về đào tạo; quản lý học viên, học sinh, sinh viên; khảo thí và bảo đảm chất lượng: 80 giờ chuẩn/năm.
Tại dự thảo, định mức giờ giảng đối với viên chức, viên chức quản lý đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp được đề xuất quy định như sau: Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng: 10% giờ chuẩn/năm; phó hiệu trưởng: 15% giờ chuẩn/năm; trưởng phòng và tương đương: 20% giờ chuẩn/năm; phó trưởng phòng và tương đương: 25% giờ chuẩn/năm; đối với viên chức khác: 30% giờ chuẩn/năm.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 8 tuần, của viên chức quản lý có tham gia giảng dạy 6 tuần, bao gồm nghỉ Hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ.
Dự thảo đề xuất thời gian nghỉ Hè hằng năm của nhà giáo là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép. Ngoài thời gian nghỉ Hè, nhà giáo được nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện thực tế, hiệu trưởng, giám đốc bố trí cho nhà giáo nghỉ vào thời gian thích hợp.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận