Giả thẻ Grab đi đường tương tự hành vi giả mạo con dấu, tài liệu Nhà nước
Theo Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Những ngày qua, kể từ ngày 26/7, khi TP.HCM áp dụng tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường theo văn bản số 2490/UBND-VX của UBND TP.HCM, trên mạng internet bắt đầu xuất hiện việc rao bán, trao đổi thẻ có logo và con dấu của Công ty TNHH Grab.
Liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết, sau khi làm việc với Grab, Sở xác định đây là thủ đoạn lợi dụng hình ảnh mẫu thẻ có logo và con dấu của Grab được công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng. Theo ông Thọ, việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Nhằm thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM cảnh báo việc làm giả, cung cấp, sử dụng các loại giấy đi đường, giấy xác nhận làm việc… để được ra đường trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 mà không đúng quy định đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho biết.
Đồng thời, Grab đã có công báo đến toàn bộ các tài xế, yêu cầu các đối tác tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh, thông tin hay trao đổi/mua bán thẻ hoạt động dành cho đối tác Grab dưới mọi hình thức
Grab sẽ tiến hành rà soát và xử lý nếu phát hiện trường hợp bi phạm. Việc trao đổi mua/bán thẻ hoạt động là hành vi không được phép và có thể bị xử lý ở mức cao nhất là ngừng hợp tác vĩnh viễn. Hiện, Grab đang đẩy nhanh việc cấp phát thẻ cho các đối tác tài xế để hỗ trợ các đối tác hoạt động thuận lợi, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sư JVN, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu mục đích làm giả để lừa dối các cơ quan, tổ chức có liên quan thì hành vi này có dấu hiệu của tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại D341 BLHS.
Theo đó, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm người làm ra hoặc sử dụng con dấu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 BLHS
Cụ thể, điều 341, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo luật sư Hiển, nếu mục đích gian dối để nhằm cản trở hoặc vô hiệu sự kiểm tra của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh, người sử dụng giấy tờ giả để ra đường trường hợp không cần thiết thì người sử dụng có thể bị phạt theo quy định tại nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 1-3 triệu đồng.
Trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, đội ngũ người giao hàng (shipper) được hoạt động từ 6h đến 18h mỗi ngày, với điều kiện đảm bảo đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường. Theo đó, shipper phải có đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng, bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper. Đồng thời, công ty chủ quản cũng ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR và băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ "Shipper" màu trắng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận