Thủ tướng: Bám sát thực tiễn để có cách tiếp cận, giải pháp mới chống dịch Covid-19
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tin thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch.
Sáng nay (30/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các thành viên Chính phủ; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo các ngành, cơ quan liên quan. Dự hội nghị tại đầu cầu các địa phương có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và các ban, ngành đơn vị liên quan. Còn tại điểm cầu Trụ sở UBND TP.HCM có các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 .
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này đã trải qua gần 100 ngày. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để đầy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP.HCM, một số tỉnh phía Nam và miền Trung. Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các nước châu Á và Đông Nam Á. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tin thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng khẳng định, dịch COVID-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên “cuộc chiến” phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vaccine ngừa COVID-19. Do đó có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Thời gian qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã vào cuộc mạnh mẽ, thiết thực đối với “cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”. Trong đó, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết chung, dành nhiều thời lượng cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt cho phép áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, kể cả những nội dung chưa được quy định trong luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tính đến ngày 28/7 có 196 triệu ca mắc và hơn 4,19 triệu ca tử vong. Theo tổ chức Y tế thế giới số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi trên thế giới, trong hai tháng vừa qua đạt gần mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tâm dịch chuyển sang Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, Brazil. Riêng Đông Nam Á, đến ngày 29/7 đã có 7 triệu ca mắc và gần 140 ngàn ca tử vong. Trong đó, Indonesia, Malaysia, Thái Lan nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu về số ca nhiễm trong ngày.
Các nước đã có tỷ lệ tiêm chủng cao như châu Âu và Mỹ thì dịch cũng đang bùng phát trở lại. Châu Âu ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau 8 ngày; Mỹ sau một thời gian giảm số ca nhiễm mới cũng tăng gấp 3 lần (từ ngày 6/7 là 27.000 ca một ngày lên 84.000 ca vào ngày 8/7).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết có 3 nguyên nhân chủ yếu: Một là tiếp tục tình trạng thiếu vaccine. Ngay các quốc gia đã có vaccine nhưng chưa tiêm thì đều bị tăng lây nhiễm rất nhanh. Thứ hai là tính chất lây lan của các chủng mới, trong đó có biến chủng delta đã lan rất nhanh, rộng. Thứ ba là nhiều nước là chủ quan và sớm nới lỏng phong tỏa giãn cách mở cửa nền kinh tế cho nên cũng gây ảnh hưởng.
“Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng mới rất nguy hiểm, rất khó kiểm soát, dự báo dịch bệnh Covid- 19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2021 và thậm chí trong năm 2022. Việc kiểm soát dịch bệnh và đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào tiếp cận vaccine và thuốc điều trị covid 19. Các nước coi khủng hoảng y tế lần này không còn là khủng hoảng y tế nữa mà còn là khủng hoảng về kinh tế, xã hội và tâm lý, cũng như truyền thông” – ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh diến biến phức tạp, tại TP.HCM, số ca mắc phát hiện từ các khu dân cư công đồng, khu phong toả trong thời gian qua rất cao cho thấy việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng còn mạnh.
Bên cạnh đó, số phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế đã có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lây lan dịch bệnh. Việc giãn cách xã hội trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm ngặt hơn: Các doanh nghiệp không thiết yếu buộc phải đóng cửa, thực hiện lệnh giới nghiêm không để người dân ra đường sau 18h,... sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Thời gian tới số ca nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang”, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, giảm giao lưu, tiếp xúc. Do dịch bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây nhiễm và lây lan đến nhiều địa điểm, khu vực trong thời gian dài.
Tại các tỉnh lân cận với TP.HCM như Bình Dương, Long An đã xuất hiện mô hình lây lan tương tự TP.HCM ở giai đoạn đầu. Số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên do áp dụng các biện pháp giãn cách sớm, dân số và mật độ dân cư không cao như TP.HCM, do vậy diễn biến dịch bệnh sẽ giảm mức độ phức tạp.
Trong công tác điều trị giai đoạn 4 có 28.963 người đã khỏi bệnh. Hiện nay, các bệnh viện đang điều trị cho 95.770 người bệnh. Tính đến ngày 28/7/2021, qua các đợt tiêm chủng, cả nước đã tiêm được 5.379.717 liều, trong đó có 4.349.153 người đã được tiêm mũi 1 và 515.282 người tiêm mũi 2.
Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương đang khẩn trương triển khai kiểm định vaccine theo quy định, phân bổ và tổ chức tiêm, ưu tiên các đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, người lao động tại các khu công nghiệp, người dân ở vùng có nguy cơ cao.
Theo đó Bộ Y tế cũng đề xuất các giải pháp trong phòng, chống dịch như: Tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tiếp tục huy động cán bộ y tế, tình nguyện viên, trong những ngày tới sẽ tập trung bổ sung nhân lực cho các cơ sở cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19; hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp giảm mắc, giảm lây nhiễm, giảm tử vong, tăng cường năng lực thu dung, điều trị và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Tiếp tục hướng dẫn phân luồng, kiểm soát giao thông đảm bảo phòng chống dịch và lưu thông hàng hóa; triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương; Tiếp tục khẩn trương đôn đốc tiến độ mua sắm, giao hàng đối với các đơn hàng mua vaccine đã ký kết hợp đồng; hỗ trợ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước; ưu tiên cung cấp và triển khai việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho TP. HCM và các tỉnh lân cận./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận