Bảo đảm cân đối thu, chi, tiết giảm mạnh các nhiệm vụ chi chưa cần thiết
Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về thu-chi ngân sách Nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm; dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhờ chủ động trong điều hành, công tác thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định vĩ mô, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Cụ thể, kết quả thu NSNN tháng 5 đạt 98,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 48,8% dự toán, tăng 14,2%; thu từ dầu thô đạt 68,8%, giảm 18,4%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 55,2% dự toán, tăng 30,1% so cùng kỳ năm 2020.
Chi NSNN tháng 5 đạt 125,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đạt 34,5% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 21,4%, chi trả nợ lãi đạt 43,4%, chi thường xuyên đạt 41,6%.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 5 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi).
Dự kiến thực hiện NSNN 6 tháng cuối năm, ông Hồ Đức Phớc cho hay thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020; chi NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 43% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó, vốn ngoài nước ước đạt 18,4%, vốn trong ước đạt 37,5%.
Về giải pháp thực hiện, ông Hồ Đức Phớc cho biết từ phân tích các yếu tố khó khăn, thuận lợi trong nước và quốc tế, một số giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra, bao gồm: Kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”; chủ động cân đối, bảo đảm đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vaccine và cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Thực hiện tốt công tác quản lý thu; tiếp tục thực hiện miễn, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN...
Tại phiên họp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (Ủy ban) thống nhất với những nhận định, đánh giá của Chính phủ trong báo cáo và khẳng định trong 5 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020.
Về thu NSNN, Ủy ban cho rằng trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép”, tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Về chi NSNN, Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các nội dung chi cơ bản được điều hành theo dự toán Quốc hội giao. Tuy nhiên trong nhiệm vụ chi còn có hạn chế là việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là vốn ngoài nước...
Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quản lý, điều hành cân đối ngân sách, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; thực hiện tiết giảm mạnh các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chống lãng phí. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; điều hành giá cả linh hoạt trên cơ sở dự báo cung-cầu thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ vướng mắc trong việc mua sắm công, nhất là tài sản trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, thúc đẩy giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ; kịp thời điều chuyển vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này; khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, trả lại vốn đầu tư công cũng như sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả.
Nguyễn Hoàng( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận