Doanh nghiệp sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, dấy lên lo ngại đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp, Hiệp hội đã tính tới việc dành nguồn kinh phí ra sao để mua vaccine phòng Covid-19 cho công nhân, lao động?
Năm 2020, dệt may là ngành bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu giảm 10% so với năm trước đó. Đầu năm nay, sau khi dịch bệnh tạm thời bị đẩy lui, nhiều doanh nghiệp dệt may ký kết các đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí đến hết năm nay. Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp bất an, lo lắng, bởi đơn hàng đã ký và chuẩn bị đến kỳ giao hàng. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với những ngành có đông công nhân như dệt may, việc tạo nguồn vaccine để tiêm cho lực lượng lao động trong công ty là hết sức cần thiết để đảm bảo phát triển lâu dài. Ngay một doanh nghiệp lớn như Công ty May 10 đã quyết định dành một khoản ngân sách để đảm bảo mỗi công nhân trong công ty được tiêm 2 mũi.
“Đưa các đối tượng là người lao động ở trong những vùng dịch được vào danh mục được ưu tiên tiêm vaccine thì điều này chúng tôi cám ơn Chính phủ, Bộ Y tế. Ngày 30/5 vừa qua đối với dệt may, chúng tôi thì có khoảng 3.000 người được tiêm chủng, ngày 31/5 khoảng 7.500 người cũng đã được tiêm, nó cũng tạo ra cái điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp trong những vùng dịch. Đối với doanh nghiệp dệt may có thể khẳng định một điều rất nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ tiền ra mua vaccine tiêm được cho cán bộ công nhân” - ông Cẩm nói
Ngành điện tử và công nghiệp hỗ trợ cũng đang đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bởi dịch Covid 19 đang "tấn công trực tiếp" vào các khu công nghiệp lớn ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được trực tiếp chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động; đồng thời, có cơ chế cho doanh nghiệp huy động các kênh, mối quan hệ để kết nối, đàm phán mua vaccine trên nguyên tắc Nhà nước phê duyệt, kiểm soát và quản lý chất lượng để triển khai tiêm cho người lao động.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp cho biết: “Chúng tôi cũng đồng hành với các hiệp hội khác, doanh nghiệp sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động của đơn vị mình. Riêng hai hiệp hội chúng tôi là Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử và Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đăng ký xin mua và tiêm vaccine trước mắt là 1 triệu liều trong thời gian sớm nhất, từ khoảng tháng 7 - 8 từ nguồn vaccine do Chính phủ nhập về. Để từ đó đảm bảo tiến độ sản xuất và không làm gãy đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như là đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ”.
Cũng là một ngành hàng có nhiều lao động, bà Pham Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da dày và túi xách Việt Nam cho rằng, ngành da dày đã và đang tham gia chuỗi cung ứng rất sâu. Do đó trước diễn biến phức tạp của dịch, vaccine sẽ là một giải pháp mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ và khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí với Chính phủ để có vaccine tiêm cho người lao động.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc bỏ kinh phí mua vaccine cho người lao động ngành da giày. Chúng tôi sẽ xây dựng một quỹ để mua vaccine và sẽ triệu tập tất cả các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ này. Ngành da giày cũng là một ngành sử dụng rất nhiều lao động, quỹ của chúng tôi sẽ đăng ký với lại Chính phủ; đây sẽ là nguồn chi phí để có vaccine tiêm cho người lao động” - bà Xuân nói.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo rất kịp thời, hiệu quả đối với công tác phòng chống dịch. Xác định chống dịch như chống giặc, song vẫn đảm bảo mục tiêu kép và hiện Chính phủ đã thành công trong thực hiện hai mục tiêu này về chiến lược cũng như kế hoạch để đối phó với dịch Covid-19.
“VCCI đang phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, cùng với Tổng Liên đoàn Lao động đã phát động các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ về vaccine. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào Quỹ, việc doanh nghiệp đang triển khai tích cực tôi tin tưởng là sẽ góp phần cùng Bộ Y tế, cùng Chính phủ để thực hiện nhanh việc tiêm vaccine hướng tới miễn dịch cộng đồng” - ông Lộc đánh giá.
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng kinh phí ước tính hơn 25.000 tỷ đồng. Sự chung tay, góp sức về của cải, vật chất của lực lượng doanh nghiệp vào Quỹ vaccine Covid-19, cũng như quan tâm đẩy mạnh tiêm chủng trên diện rộng cho người lao động tại doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới. Qua đó đảm bảo được công tác kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận