Đề xuất mức phạt với vi phạm trong kinh doanh trò chơi có thưởng
Trong kinh doanh trò chơi có thưởng, áp dụng mức phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đây là điểm mới được Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng.
Bộ Tài chính cho biết theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố vào các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan.
Do đó, để bảo đảm phù hợp pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật phòng, chống khủng bố và bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, Dự thảo Nghị định quy định một mục về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực trò chơi có thưởng.
Mức phạt tiền các hành vi vi phạm
Theo Dự thảo, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền.
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng chống rửa tiền…
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ 3-6 tháng.
Với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống khủng bố, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố.
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi không tố giác tài trợ khủng bố.
Lan Phương (Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận