Bạo lực, quấy rối tình dục, đừng im lặng hãy lên tiếng
Im lặng khi bị bạo lực hoặc chứng kiến những hành vi bạo lực hay tấn công tình dục không phải là “vàng”. Sự im lặng đồng nghĩa với dung túng cho sai trái, thờ ơ vô cảm với nỗi đau, sự bất hạnh của người khác...đó là điều chúng ta cần lên án.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt, tình trạng bạo lực với phụ nữ có xu hướng trầm trọng hơn. Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động đại dịch Covid-19 đã cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra. Hơn một nửa phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực trong thời gian Covid-19 không chia sẻ với ai cả (51,8%).
Bạo lực nói chung hay quấy rối, tấn công tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, diễn ra ngang nhiên ở chốn đông người hay lẩn khuất trong các gia đình. Thủ phạm chủ yếu vẫn là nam giới, địa điểm thường diễn ra ở nhà trường, gia đình, nơi làm việc; hay những nơi thiếu an toàn như công cộng, thiếu ánh sáng, thiếu sự hỗ trợ đối với nạn nhân khi cần thiết.
Chia sẻ với phóng viên VOV, các chuyên gia về giới cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại nhận thức và suy nghĩ của mình, vượt qua được chính mình để lên tiếng và hành động.
Tuy nhiên để phá vỡ được sự im lặng này, cần xây dựng được một cộng đồng sẵn sàng lên tiếng; mỗi cá nhân dám đấu tranh bảo vệ mình và người thân trước bạo lực. Và cùng với đó phải có một “lá chắn” đủ mạnh, chế tài xử phạt đủ sức răn đe để vạch trần và xử lý thích đáng tất cả những hành vi bạo lực, tấn công tình dục nơi công cộng. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực thân thiện, hiệu quả để hỗ trợ khi họ lên tiếng.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận