Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Giữ nguyên mức án tử hình đối với hai bị cáo
Đại diện viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo vô cùng dã man nên không thể giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Sáng 9/3, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội được quyền nêu quan điểm xử lý kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội).
Theo đó, đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất Quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936, ở thôn Hoành, đã mất) cùng các bị cáo trong vụ án này thành lập Tổ đồng thuận nhằm lấn chiếm, sử dụng và vu khống chính quyền. Nhóm này trong nhiều năm đã nhiều lần chống đối cơ quan chức năng, đe dọa người dân và thậm chí còn bắt giữ trái phép công an, cán bộ...
Diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo cụ thể như sau: Khi biết thông tin công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân của Bộ Quốc phòng triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất Đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Lê Đình Kình, Lê Đình Công (SN 1964, con ông Kình) cùng các bị cáo khác đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, 80 chai xăng làm bom xăng, 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo để chuẩn bị nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Giữ nguyên mức án tử hình
Lê Đình Kình cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Lê Đình Tuyển tổ chức quay video ghi hình trực tiếp và đăng tải các clip trên mạng xã hội, mạng Internet tuyên bố nếu lực lượng công an đưa quân tới xã Đồng Tâm sẽ tiêu diệt từ 300-500 người.
Đầu tháng 1/2020, khi lực lượng công an thành phố Hà Nội về xã Đồng Tâm, Lê Đình Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà mình vào ngày mùng 6/1, 7/1 và ngày 8/1/2020 để chỉ đạo chống đối, tấn công lực lượng công an. Cụ thể chiều ngày 8/1/2020, theo chỉ đạo của Lê Đình Kình, nhóm này đã mang cả hung khí gồm tuýp sắt gắn dao bầu, bom xăng, gạch đá tập kết tại nhà Lê Đình Kình để chuẩn bị tấn công lực lượng chức năng.
Sáng 9/1, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị tổ Đồng Thuận ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi dừng lại trước khi quá muộn. Lực lượng công an, trong đó có các anh Nguyễn Duy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân và nhiều người khác triển khai kế hoạch đột nhập bắt giữ các đối tượng về hành vi chống đối.
Khi những cảnh sát này tiến lên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu khiến 3 cảnh sát hy sinh.
Kiểm sát viên cho rằng, nhóm bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức (SN 1980, con ông Kình), Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến là những kẻ chủ mưu cầm đầu, vừa chỉ đạo bị cáo khác lại trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Trong đó, bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh là những người tham gia tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Đối với bị cáo Lê Đình Công là người chủ trì các cuộc họp từ ngày 6/1, 7/1 và ngày 8/1/2020 tại nhà Lê Đình Kình để kích động, lôi kéo, chống đối, tấn công, lực lượng chức năng và đăng tải clip với nội dung: “Nếu công an đến sẽ không bắt giữ và không diệt được 300 – 500 người sẽ không nhìn mặt đồng bào cả nước”. Bị cáo này cũng là người chế tạo bom xăng, mua lựu đạn… Trong sáng ngày 9/1/2020, Công thừa nhận đã ném bom xăng, lựu đạn vào cảnh sát. Xét tính chất mức độ, vai trò và hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng từ hành vi của Công, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, không thể giảm nhẹ án tử hình của bị cáo này.
Bị cáo Lê Đình Chức là con ruột của bị cáo của Lê Đình Kình (đã chết) trong vụ án đã tham gia họp bàn tại nhà Lê Đình Kình vào tối ngày 8/1/2020 và tiếp nhận chủ trương tấn công lực lượng chức năng vào sáng ngày 9/1/2020. Bị cáo đã ném gạch, bom xăng và 1 quả lựu đạn về lực lượng công an, dùng tuýp sắt để ngăn cản lực lượng chức năng khi công an trấn áp tội phạm. Khi nghe thấy có tiếng người rơi xuống hố, bị cáo đã bảo Lê Đình Doanh châm lửa đốt và cùng Doanh gạt chậu xăng xuống hố.
Tại phiên tòa, bị cáo chưa nhận thức rõ hành vi của mình cũng chưa thành khẩn. Bị cáo cho rằng, mình không phải là người đổ xăng để gây ra cái chết của 3 chiến sỹ công an mà đổ cho bị cáo Doanh hoặc một người nào đó. Tuy nhiên, qua xem xét, phân tích trên các tài liệu cũng như lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ cũng như phần thẩm vấn tại phiên tòa thì sẽ VKS nhận thấy, chính bị cáo Lê Đình Chức là người trực tiếp thực hiện hành vi đổ xăng cũng như châm lửa, gây ra hậu quả chết 3 người... nên cũng không có căn cứ giảm nhẹ án tử hình.
Bản án sơ thẩm tuyên đúng người đúng tội
Đối với bị cáo Lê Đình Doanh, con bị cáo Lê Đình Công, cháu bị cáo Lê Đình Kình đã có hành vi tham gia họp tại nhà Lê Đình Kình để bàn phương án chống lại lực lượng công an, trực tiếp mua dao bầu, liềm, sau đó đi gắn tuýp sắt. Rạng sáng 9/1/2020, bị cáo đã ném bom xăng, gạch về phía lực lượng công an.
Thực hiện chỉ đạo của Lê Đình Chức, bị cáo đã đổ xăng từ can ra chậu, châm lửa và cùng với Lê Đình Chức gạt xăng xuống hố làm 3 chiến sĩ công an tử vong.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Doanh là người có nhiều tiền án, tiền sự với hành vi nguy hiểm, thực hiện hành vi một cách tích cực, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đáng ra phải tuyên phạt tử hình mới đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, xét tổng thể trong vụ án, bị cáo tuổi còn trẻ do bị chi phối bởi Lê Đình Kình. Đặc biệt trong vụ án này, bị cáo Lê Đình Công là bố và chú ruột là Lê Đình Chức đều đã bị tuyên phạt mức án tử hình. Do đó, cũng cần phải có tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Do đó mức án chung thân đối với bị cáo Lê Đình Doanh là đã thể hiện tính nhân văn trong việc xét xử và tuyên án. Tại phiên tòa phúc thẩm thì bị cáo Lê Đình Doanh cũng không có thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Do vậy, Viện kiểm sát thấy rằng, mức án chung thân là phù hợp.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu được xác định là người biết rõ nhất vấn đề nguồn gốc đất đai nhưng thay vì giải thích cho bà con lại cố tình xuyên tạc, tụ tập, lăng mạ lực lượng chức năng. Bị cáo Hiểu còn cấu kết với Lê Đình Kình, bàn bạc việc mua lựu đạn và ngày 9/1/2020 đã trực tiếp ném 2 bom xăng. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, với những hành vi như vậy, mức án 16 năm tù cho bị cáo Hiếu là phù hợp, không có căn cứ giảm nhẹ.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến bị xác định góp tiền và sau đó trực tiếp đi mua 10 quả lựu đạn. Rạng sáng 9/1, bị cáo bắn pháo để ra hiệu tấn công cảnh sát; giúp sức việc giết người… Bị cáo không có căn cứ giảm nhẹ mới nên không thể thay đổi mức án 13 năm tù. Kiểm sát viên cũng cho rằng, bị cáo Bùi Thị Nối (SN 1958) là con nuôi Lê Đình Kình, từng kháng cáo xem xét lại toàn bộ bản án nhưng sau khi được giải thích pháp luật đã nhận ra hành vi phạm tội của mình.
Xét lời khai từ quá trình điều tra đến nay, bị cáo Nối đều thừa nhận cùng một số người khác thực hành tích cực việc tấn công lực lượng chức năng bằng gạch đá, bom xăng, dao… nên thỏa mãn tội “Chống người thi hành công vụ”. Mức án 6 năm tù được tuyên cho bị cáo Nối là phù hợp, không có căn cứ giảm nhẹ.
Cũng theo kiểm sát viên, bản án sơ thẩm đã tuyên đúng pháp luật, nghiêm minh với những kẻ chủ mưu cầm đầu và khoan hồng cho những người bị lôi kéo xúi giục... Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên án, bác kháng cáo của 6 người trên./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận