Bộ Y tế yêu cầu rà soát sân bay Tân Sơn Nhất và các trường hợp F1, F2
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu: “Tiến hành rà soát tại sân bay Tân Sơn Nhất, không phong tỏa sân bay, rà soát lại các trường hợp F1, F2 và thực hiện lấy mẫu, cách ly theo quy định; tiến hành tiêu trùng khử độc, khoanh vùng trong diện hẹp nếu có nguy cơ cao”.
Thứ trường Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp.
Bộ Y tế họp khẩn với TP.HCM, Bình Dương
Chiều ngày 6/2, Thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên đã họp khẩn với TP.HCM và Bình Dương liên quan ca nghi nhiễm COVID-19 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất tại Viện Pasteur TP.HCM.
Trong cuộc họp Thứ Trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên đã nghe các đơn vị liên quan tóm tắt các thông tin liên quan đến ca nghi nhiễm (18h00 chiều nay đã được công bố là ca nhiễm COVID-19);
Theo đó đây là nhân viên xếp hành lý, điều phối hàng trên máy bay, không tiếp xúc hành khách, có địa chỉ cư ngụ tại Bình Dương được phát hiện nghi nhiễm COVID-19 thông qua công tác lấy mẫu xét nghiệm trên hơn 5000 nhân viên trong tổng số khoảng 7000 nhân viên công tác tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tại TP.HCM đến nay đã xác định có 44 người tiếp xúc với ca nghi nhiễm này. Các trường hợp tiếp xúc đã được lấy mẫu xét nghiệm, đang đợi kết quả.
Còn theo báo cáo từ Sở Y tế Tỉnh Bình Dương, điều tra dịch tễ cho thấy người này về Bình Dương nghỉ ngơi là chính, không đi nhiều, chỉ ghi nhận 9 người tại Bình Dương tiếp xúc gần, trong đó có 2 người em ruột ở chung nhà và 1 trường hợp trưa nay đã kết quả xét nghiệm nghi nhiễm; CDC Bình Dương đang tiến hành rà soát, truy vết, khoanh vùng lấy mẫu nhanh chóng các trường hợp liên quan.
Nhanh chóng truy vết, quyết liệt khoanh vùng
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trường hợp nghi nhiễm này khởi phát vào ngày 3/2, khả năng lây nhiễm tối đa là ngày 31/1 do đó các hoạt động điều tra truy vết cần tâp trung vào khoảng thời gian từ đó.
GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết thêm, với trường hợp này thời điểm có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất vào ngày 3/2, các công tác truy vết cần được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt để khoanh vùng, lấy mẫu bằng được các trường hợp liên quan nếu chậm một ngày sẽ có nhiều thêm các trường hợp F1, F2; đồng thời cần thực hiện điều tra truy vết đối với các trường hợp F1 để có thể phản ứng nhanh chóng khi các trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm dương tính.
Về công tác xét nghiệm cho các trường hợp liên quan các ca nghi nhiễm trên, đại diện viện GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, các công tác xét nghiệm đang được triển khai thực hiện khẩn trương, khi có kết quả sẽ cập nhật mới ngay đến các đơn vị liên quan nhằm đáp ứng nhanh chóng công tác phòng, chống dịch bệnh, kết quả xét nghiệm xác định, kết quả trình tự gen (để xác định chủng virus) đang được thực hiện và dự kiến có kết quả vào tối ngày 6/2 hoặc sáng ngày 7/2.
Không vì lo ngại mà phong tỏa sân bay
Tại cuộc họp đại diện Cảng vụ Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất báo cáo về công tác phòng chống dịch tại cảng trong thời gian qua cũng như các biện pháp xử lý khi xuất hiện ca nghi nhiễm là nhân viên công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó Cảng vụ Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các công tác phòng chống dịch, 5, khử khuẩn… Nghiêm túc thực hành các cuộc họp, các vai trò nhiệm vụ, điều phối chống dịch tại TP.HCM, điều phối các chuyến bay quốc tế đến sân bay, các vùng tuyển riêng…
Ngay khi có thông tin về trường hợp nghi nhiễm COVID-19, Cảng vụ đã phối hợp với các đơn vị truy vết, khoanh vùng nhanh chóng, cách ly, lấy mẫu các trường hợp có liên quan, đồng thời thực hiện các công tác phun trùng khử độc khu vực di chuyển của trường hợp ca nghi nhiễm.
Giải đáp ý kiến về việc có hay không việc phong tỏa Sân Bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cảng vụ cho biết: Với trường hợp nhân viên nghi nhiễm đã có 4 ngày liên tục không đến công tác tại sân bay, đã tiến hành khử khuẩn các khu vực làm việc và di chuyển của ca nghi nhiễm, đồng thời ca nghi nhiễm không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, các trường hợp liên quan đã được xác định, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu… Đồng thời Sân bay Tân Sơn Nhất có những vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động di chuyển của người dân, hoạt động kinh tế nếu phong tỏa sẽ có những ảnh hưởng rất lớn do đó sẽ không vì lo ngại mà phong tỏa sân bay.
Xét nghiệm nhanh các mẫu F1, F2
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, TP.HCM, Bình Dương cần tiến hành truy vết nhanh các trường hợp F1, F2 cho cả trường hợp người anh và người em;
Xét nghiệm nhanh, thần tốc các mẫu từ F1 và F2, 100% trường hợp F1 xét nghiệm mẫu đơn không làm mẫu gộp, F2 có thể thực hiện xét nghiệm mẫu gộp theo quy định của bộ Y tế (5 đến 15 mẫu hoặc gộp chung mẫu của các trường hợp trong cùng gia đình);
100% F1 phải được đưa đi cách ly tập trung tuyệt đối tại các cơ sở y tế, theo dõi chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; các trường hợp F2 cho cách ly tại nhà nhưng cần phải đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà (có phòng riêng, đảm bảo điều kiện cách ly, sinh hoạt), nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì tiến hành cách ly tập trung; nếu F2 cách ly tại nhà nhưng không tuân thủ theo các quy định cam kết đã ký thì thực hiện cách ly tập trung và có thể bị xử lý theo quy định);
Tại khu vực cách ly tập trung cần cách ly riêng các trường hợp F1 và F2 để tránh các nguy cơ lây chéo; CDC 2 địa phương, phối hợp với tổ truy vết công nghệ cao của Bộ Y tế để tiến hành truy vết nhanh với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, đồng thời công tác truy vết cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, nhiều cơ quan liên quan, nhiều lực lượng nhằm đảm bảo truy vết nhanh chóng, hiệu quả.
Tiến hành rà soát tại sân bay Tân Sơn Nhất
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Tiến hành rà soát tại sân bay Tân Sơn Nhất, không phong tỏa sân bay, rà soát lại các trường hợp F1, F2 và thực hiện lấy mẫu, cách ly theo quy định; tiến hành tiêu trùng khử độc, khoanh vùng trong diện hẹp nếu có nguy cơ cao”.
Đồng thời, đề nghị ban chỉ đạo TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Sân Bay Tân Sơn Nhất cũng như các môi trường có nguy cơ cao như bệnh viện, phòng khám, khu công nghiệp…. đảm bảo các yêu cầu công tác phòng chống dịch;
Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, đăc biệt là quy định đeo khẩu trang, tiến hành xử lý nghiêm theo nghị định 177; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương, lập biên bản, đóng cửa các trường hợp không đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh.
( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận