Sức chống đỡ yếu, số lượng doanh nghiệp giải thể sẽ tiếp tục tăng mạnh
Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất yếu, thời gian tới số lượng doanh nghiệp giải thể dự báo còn tăng cao hơn nữa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên cả nước là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 24.200; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.400.
Trong số 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 9.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.
Dịch Covid-19 bùng phát lần 1 và sự quay trở lại lần 2 của dịch bệnh này đã và đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 81% số doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có đơn đặt hàng trong vòng 6 tháng tới, 72% số doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn thiếu tiền để trả lãi vay ngân hàng, mua nguyên liệu, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng...
Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất yếu, đặc biệt là dòng tiền để duy trì hoạt động đang vô cùng khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm là thời điểm cực kỳ quan trọng, liên quan tới sự tồn tại của rất nhiều doanh nghiệp. Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỷ USD, gấp đôi GDP. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, số người mất việc, thất nghiệp dự báo còn gia tăng trong thời gian tới.
TS.Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cho hay, ông hoàn toàn không ngạc nhiên về con số hơn 10.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng qua. Năm 2020 có thể nói là năm tồi tệ nhất trong lịch sử khởi nghiệp Việt Nam. Dự báo, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa có thể lên đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là hơn 10.000 doanh nghiệp như hiện nay. Đây chỉ mới là những doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, con số doanh nghiệp báo cáo xin đóng cửa, giải thể thực tế còn lớn hơn nhiều.
Cũng theo ông Hòa, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng hơn và gây ảnh hưởng chưa từng có đối với toàn cầu nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng.
“Để trụ vững và tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm giải pháp cho cá nhân mình và cần tự cứu mình trước khi được cứu. Trong đó, cần trú trọng đến việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Cụ thể, cần tái cấu trúc lại sản phẩm; tái cấu trúc lại công cụ công cụ sản xuất; tái cấu trúc lại bộ máy vận hành và tái cấu trúc lại phục vụ. Đây chính là cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp phải bắt tay hợp tác với nhau, kết nối cung cầu, tìm đầu ra và cùng vận hành phát triển”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.
Trước thực tế diễn biến của dịch bệnh và những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã tính đến kịch bản xấu nhất, thời gian tới, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể lên đến 70%, số lao động mất việc làm có thể lên tới 60.000 -70.000 người/tháng, số lao động bị tạm ngừng việc, giãn việc, giảm việc làm sẽ khoảng 3,5 - 5 triệu người.
Dịch bệnh chưa biết khi nào sẽ kết thúc, khó khăn thì sẽ còn nhiều, do vậy, ngoài sự nỗ lực, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ sớm đưa ra các chính sách như miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện..., đặc biệt là được tiếp cận các gói ưu đãi lãi suất thấp với thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Trong bối đầy rẫy những khó khăn như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trước khi nhận được hỗ trợ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận