Giới khoa học thận trọng về trường hợp tái mắc Covid-19
Trên thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay, cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp nghi nhiễm bệnh lần 2.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) hồi đầu tuần thông báo trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, làm gia tăng lo ngại về sự phát triển kháng thể ở những người từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, giới khoa học cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng, đây không phải là điều đáng báo động, ngay cả khi sự kiện này buộc người ta phải đặt ra những câu hỏi về diễn biến mới của dịch bệnh.
Trên thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay, cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp nghi nhiễm bệnh lần 2. Song các nhà khoa học vẫn nghiêng về khả năng tái phát hơn là tái nhiễm. Đối với trường hợp bệnh nhân tại Hong Kong, sự khác biệt là khá rõ ràng. Các nhà khoa học Hong Kong nhận thấy rằng, trình tự gen trong lần mắc bệnh thứ 2 này khác với lần đầu tiên và dường như giống với chủng virus lưu hành ở châu Âu. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có khả năng đã bị hai chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau tấn công và vì thế đây có thể coi là trường hợp tái nhiễm đầu tiên trên thế giới.
Ngay sau thông báo tại Hong Kong, Bỉ và Hà Lan cũng xác nhận những ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Theo chuyên gia về virus của Bỉ, ông Marc Van Ranst, cũng giống như bệnh nhân tại Hong Kong, cả hai người bệnh của Hà Lan và Bỉ đều xuất hiện triệu chứng nhẹ trong lần mắc bệnh đầu tiên và không nhập viện. Hai người bệnh có thể đã không có đủ kháng thể để ngăn cơ thể nhiễm virus lần thứ hai.
“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trình tự bộ gen hoàn chỉnh đối với hàng nghìn mẫu virus nhận được trong phòng thí nghiệm. Và khi nhìn vào các đột biến giữa chủng virus gây bệnh ban đầu và chủng sau đó, bạn có thể thấy rằng chủng virus đang làn truyền ở Bỉ có sự khác biệt rõ ràng và không có nguồn gốc từ cùng một mẫu với mẫu đầu tiên”, ông Ranst nói.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang trong cuộc chiến chống Covid-19, việc xác nhận giả thuyết rằng virus có thể tấn công cùng một người ít nhất 2 lần đã gây lo ngại, nhất là đối với những nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine hiện nay. Nếu khả năng miễn dịch có thể biến mất chỉ sau vài tháng, thì hiệu quả của vaccine có thể chỉ mang tính tương đối.
“Từ các nghiên cứu khác, chúng tôi biết rằng tỷ lệ đột biến của virus Sars CoV-2 ít hơn so với virus cúm. Tuy nhiên, việc virus có đột biến cũng có nghĩa là bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào cũng không phải là vaccine vĩnh viễn. Cũng như đối với bệnh cúm, loại vaccine này sẽ phải được đánh giá lại thường xuyên”, chuyên gia Marc Van Ranst nhấn mạnh.
Chuyên gia Jonathan Stoye tại Anh thì cảnh báo, dù đáp ứng miễn dịch ở mỗi người là khác nhau, song khả năng tái nhiễm đã được chứng minh có nghĩa là những câu hỏi cho đến nay vẫn là lý thuyết trở nên rất cụ thể. Một trong những vấn đề chính là liệu những người bị nhiễm lần thứ hai có thể lây nhiễm cho người khác hay không và lây nhiễm như thế nào. Nếu tiếp tục có thêm các trường hợp khác được xác định, thì điều quan trọng là phải làm xét nghiệm huyết thanh rộng rãi để hiểu về các rủi ro.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Paul Hunterd tại Đức, virus sẽ biến thể một cách tự nhiên theo thời gian. Đây là một ví dụ tái nhiễm rất hiếm và không nên phủ nhận động lực phát triển vaccine chống Covid-19 trên toàn cầu. Bởi vaccine nhìn chung vẫn cung cấp khả năng miễn dịch kéo dài lâu hơn so khả năng miễn dịch tự nhiên sau nhiễm bệnh. Hơn nữa, trường hợp tái nhiễm này cho thấy phản ứng miễn dịch đang hoạt đông chính xác như như mong đợi.
Gần như ngay từ đầu đại dịch, các nhà khoa học đã nói rằng, khả năng bảo vệ miễn dịch chỉ có thể kéo dài từ bốn đến sáu tháng ở những người bị Covid-19 dạng nhẹ. Đây dường như cũng là điều đã xảy ra với bệnh nhân người Hong Kong, Bỉ hay Hà Lan khi trong lần đầu tiên bệnh nhân chỉ phát triển các triệu chứng tương đối nhẹ như sốt, ho, đau đầu và quá trình phục hồi cũng diễn ra nhanh chóng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận