Có thể áp dụng biện pháp cắt điện, nước trong xử lý vi phạm hành chính?
Chiều 23/7, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước trong xử lý vi phạm hành chính.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: Thực tế nhiều trường hợp vi phạm hành chính để lại hậu quả không thể khắc phục bằng tiền. Ví dụ như những hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn không khí ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, hậu quả sẽ rất lâu dài; hay có những trường hợp nguồn lợi từ vi phạm lớn hơn số tiền phạt rất nhiều.
Đại biểu Nghĩa cho rằng với từng hành vi cụ thể, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp mạnh; nếu không thể khởi tố hình sự thì việc cắt điện, cắt nước trong những trường hợp này rất phù hợp.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tuỳ từng trường hợp mà sử dụng biện pháp cắt điện, cắt nước, không để xảy ra việc lạm dụng, áp dụng tràn lan, gây khó cho dân. Cụ thể, những hành vi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, vi phạm trật tự xây dựng… thì có thể áp dụng cắt điện-nước; còn những trường hợp khác cần xem xét cụ thể.
"Vấn đề này đưa vào luật cũng phải có hướng dẫn cụ thể để giải thích và chỉ rõ hành vi nào, trong điều kiện nào thì cắt điện nước. Ví dụ như khi xử phạt vi phạm hành chính mà không có tiền đóng phạt, nếu không đóng tiền mà cắt điện nước của cả gia đình thì không nên, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân khác” - ông Phạm Văn Hòa nói./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận