Du lịch giá rẻ để kích cầu du lịch nội địa đang phản tác dụng?
Câu chuyện về du lịch giá rẻ để kích cầu du lịch nội sau dịch Covid-19 đã phản tác dụng, mất đi niềm tin của khách hàng khi chất lượng dịch vụ kém.
Nhằm kích cầu du lịch nội địa sau dịch Covid 19, những cụm từ “giảm giá”, “khuyến mãi”, cùng các tour, combo du lịch nội địa được các doanh nghiệp lữ hành đua nhau giới thiệu đến du khách trong nước. Bên cạnh những chương trình hấp dẫn, giá tốt, trên thực tế, vẫn còn một số doanh nghiệp hút khách bằng cách giảm giá và bớt dịch vụ.
“Khách sạn 4 sao và khăn mặt màu cháo lòng” hay “đặt điều hòa 18 độ mà trong phòng vẫn nóng toát mồ hôi” là những phản ánh bày tỏ sự bất bình trên trang facebook cá nhân của một đoàn du khách sau chuyến đi du lịch ở Quảng Ninh. Cũng tại tỉnh Quảng Ninh, tàu Hải Anh 10 QN-6018 đưa khách tham quan vịnh Hạ Long đã thực hiện hành vi nâng giá quá cao so với giá hợp đồng ký trước đó.
Sau khi bị du khách tố cáo, doanh nghiệp này đã bị UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra và ra văn bản đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến đối với tàu du lịch trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 9/6/2020.
Câu chuyện về du lịch giá rẻ để kích cầu du lịch nội sau dịch Covid-19 đã phản tác dụng, mất đi niềm tin của khách hàng khi chất lượng dịch vụ kém.
Hiện nay ngành du lịch vẫn đứng trước nhiều khó khăn thử thách, các doanh nghiệp vẫn khó có thể kết hợp chặt chẽ với nhau. Vì vậy, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước với các doanh nghiệp lữ hành, từ những việc làm thiết thực như giảm giá vé tại các khu du lịch, điểm tham quan vì nếu chỉ doanh nghiệp giảm giá mà các khu tham quan, du lịch của nhà nước giá thành không giảm thì sẽ thiếu đi sự đồng bộ.
Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch nhận định: “Chúng ta cùng đồng lòng khôi phục lại du lịch nội địa và mang tính dài hạn gạt bỏ qua những lợi ích ngắn hạn để thực sự mang lại chất lượng và trải nghiệm cho khách. Dần dần chất lượng dịch vụ tốt và các biện pháp kích cầu thì công cuộc khôi phục du lịch nội địa sẽ thành công”.
Để có được mức giá ưu đãi lớn hiện nay, giá giảm nhưng chất lượng không giảm hoặc giữ nguyên giá và tăng giá trị tour, các doanh nghiệp lữ hành, ngành hàng không, dịch vụ lưu trú và các địa phương sẽ phải có sự phối hợp rất ăn ý, thậm chí hi sinh lợi ích. Cần có cam kết rõ ràng để khuyến khích người dân đi du lịch, qua đó góp phần đưa ngành du lịch mau chóng phục hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, với các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, các địa phương và cơ quan quản lý về du lịch cần vào cuộc giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Luật Quảng cáo, Luật Thương mại có những điều khoản qui định phải niêm yết công khai giá cả, phải quảng cáo theo đúng chất lượng sản phẩm chứ không được quảng cáo sai. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát để làm sao đảm bảo được chất lượng cũng như quyền lợi của khách du lịch” - bà Hương nói.
Để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, để những chuyến du lịch đem lại cho du khách niềm vui, sự bình an cùng những trải nghiệm lý thú, các doanh nghiệp và công ty dịch vụ lữ hành cần đặt mục tiêu xây dựng niềm tin và sự hài lòng của du khách lên hàng đầu. Bên cạnh đó, du khách nên là những “người tiêu dùng thông thái”, có sự so sánh và cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các gói tour du lịch, tránh vì “ham rẻ” mà chuyến du lịch, nghỉ dưỡng cùng người thân và gia đình, bạn bè không đạt được kết quả như mong đợi./.
Huyền Trang/VOV1
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận