Kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp hồi sinh sau dịch Covid-19
Nhiều DN đang tập trung tổ chức lại sản xuất với chủ trương đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đồng thời tạo chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong trạng thái bình thường mới đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thời gian qua các Bộ, ngành và DN đã xây dựng các kế hoạch, chủ động triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các địa phương, DN, hiệp hội và ngành hàng được xem là giải pháp trọng yếu, có hiệu quả.
Chuỗi liên kết hiệu quả hơn lúc nào hết
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, sau đại dịch Covid-19 tình hình kinh tế đã có nhiều thay đổi, trong đó nhu cầu du lịch cũng phần nào bị hạn chế. Để ứng phó với tình hình mới, ngành du lịch hơn lúc nào hết phải thay đổi lại chiến lược kinh doanh, trong đó đảm bảo 3 yêu cầu cần thiết của du khách là an toàn, sản phẩm đa dạng cùng chất lượng và giá cả hợp lý.
Ông Thản cũng cho hay, trong khi chờ tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới ổn định để đón khách ngoại, ngành du lịch tập trung xây dựng kế hoạch đón khách nội địa với các sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng. Trong chủ trương này, đòi hỏi các DN du lịch phải tính toán kỹ, đặc biệt là tái cấu trúc lại sản phẩm và liên kết hợp tác giữa các DN có cùng sản phẩm với nhau.
“Với tình hình thực tế hiện nay, buộc các DN du lịch phải giảm giá thành hoặc tăng sản phẩm du lịch. Điều này tạo ra yêu cầu bắt buộc các DN cần phải liên kết, hợp tác với nhau về sản phẩm và cơ chế giá, từ đó mới có thể đảm bảo các yêu cầu của khách hàng. Nếu chỉ là 1 DN đơn lẻ sẽ khó có thể đáp ứng được nên việc tạo chuỗi là sự sống còn của ngành du lịch hơn lúc nào hết”, ông Thản lưu ý.
Theo đại diện Tổng công ty May 10, trong thời gian vừa qua để thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, May10 đã kết nối với nhiều DN trong nội khối, ngành để phát huy và tận dụng lợi thế của từng DN. Các mô hình hợp tác với các DN đã đạt tổng giá trị thương mại trên 100 tỷ đồng khi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động dịch vụ, thương mại,…
Cụ thể, trong khâu sản xuất, khi các DN trong khối may mặc liên kết đã tạo lập chuỗi giá trị khép kín, nâng cao giá trị và hạ giá thành sản phẩm. May 10 đã liên kết với các Tổng công ty Gia giầy... để đảm bảo cung cấp các đơn hàng đồng phục trọn gói... Trong thương mại, DN liên kết đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cho hệ thống các cửa hàng, đại lý, siêu thị tổng hợp... Đồng thời hợp tác với các Tổng công ty lớn để đưa ra những sản phẩm, giải pháp đáp ứng đầy đủ và nhanh các yêu cầu của khách hàng như VNPT, Vingroup, hệ thống các ngân hàng...
Trong các khâu dịch vụ, May 10 liên kết chiến lược với các đơn vị dịch vụ, các đơn vị vận tải, truyền thông... nhằm kết nỗi, chia sẻ và tận dụng thế mạnh của mỗi đơn vị để triển khai các gói chăm sóc khách hàng với các DN trong khối, từ đó triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
“Thiết lập mối quan hệ cung cầu từ đó tạo lập nên mối liên kết đa ngành giữa các DN trong khối sản xuất, thương mại, dịch vụ nhằm tối đa hóa chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị của mỗi ngành, đáp ứng một cách nhanh nhất nhu cầu của khách hàng. Làm được điều này, thời gian qua May10 cũng như các DN khác đã có thêm tiềm lực, nhân lực tạo ra được giá trị cho từng DN trong các mối liên kết, hợp tác trong và ngoài nước”, đại diện Tổng Công ty May 10 chia sẻ.
Kênh xúc tiến thương mại quan trọng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Văn Sửu, việc tổ chức các hội nghị giao thương kết nối cung cầu là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới của thành phố. Kết nối cung cầu sẽ tháo gỡ khó khăn cho các DN và cũng là cơ hội để các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam.
“Thành phố chung tay cùng các DN tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối; đẩy mạnh liên kết vùng đưa sản phẩm của DN Hà Nội đến với người tiêu dùng trong cả nước. Đồng thời, thành phố tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nội khối giữa các DN, hỗ trợ tìm kiếm khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu. Tới đây, thành phố sẽ giao cho các Sở, Ban ngành của thành phố triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu góp phần tái khởi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng như Thành phố đã đề ra”, ông Sửu nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) hoạt động kết nối cung cầu là một trong những hoạt động XTTM quan trọng. Thông qua việc làm này, Bộ Công Thương mong muốn đẩy mạnh hoạt động cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cũng theo đánh giá của ông Phú, song song với mục tiêu hỗ trợ kết nối tiêu thụ thị trường nội địa, việc kết nối cung cầu sẽ giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài.
“Thực tế hiện nay, Cục XTTM đã và đang phối hợp với các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại, các cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài triển khai nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore. Cục XTTM hy vọng các hoạt động sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới”, ông Phú chỉ rõ./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN ( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận