Ba kịch bản ‘gỡ rối’ cho ngành du lịch trong ‘cuộc chiến’ với COVID-19
Bộ VHTT&DL đề nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021; đồng thời cũng đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 kịch bản diễn biến dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ VHTT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ VHTT&DL đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch COVID-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020...
Đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia. Đề xuất Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.
Bộ VHTT&DL đề nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021; đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm. Đề xuất hỗ trợ cơ sở đào tạo du lịch triển khai dạy học online.
Bộ VHTT&DL cũng đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 kịch bản diễn biến dịch COVID-19.
Với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); tập trung vào phân khúc du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, MICE; triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số trong và sau dịch COVID-19.
Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm), ngành du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phát động chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” (Vietnam NOW - Safety and Smiling), công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Mặt khác, ngành cũng cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, MICE.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL kiến nghị Chính phủ xem xét, có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam thông qua miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai rộng rãi nhiều gói kích cầu với khách nội địa, quốc tế; kiến nghị Chính phủ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Trước đó vào ngày 19/3/2020, Bộ VHTT&DL đã có văn bản số 1156/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với các cơ sở đào tạo du lịch, Bộ VHTT&DL cũng có đề xuất đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch được áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam. Đây được xem là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch hiện nay.
Nhật Nam ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận