Tìm những cơ hội giao thương mới trong dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh, nhưng đây cũng là dịp để các ngành tìm cách thích ứng, tìm những cơ hội mới.
Theo thông tin mới nhất, cán cân thương mại của Việt Nam quý I thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng kết quả này cho thấy, hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội qua việc “ biến nguy thành cơ”.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%.
Tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%), thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, trong kết quả này, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ.
Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2. Dù vậy, theo các chuyên gia thương mại vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, các chuyên gia thương mại cho rằng cả xuất khẩu và nhập khẩu ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dần phục hồi trong tháng 3 do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát. Do đó, tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5%; Hàn Quốc giảm 2,7%; Nhật Bản tăng 3,5%...
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù đang gây ra nhiều khó khăn cho giao thương nhưng cũng đang mang lại cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường “đảo quốc sư tử” trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động bất lợi, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, cho biết, hai tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore tăng 8,44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,8 tỷ đô la Singapore (SGD) tương đương 2,65 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore tăng mạnh khi tăng trưởng khoảng 35,74%, đạt 952,8 triệu SGD và nhập khẩu tăng nhẹ, khoảng 1,65%, đạt 2,9 tỷ SGD.
Nguyên nhân xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore gia tăng mạnh là vì Singapore đang phải nỗ lực và khẩn cấp đa dạng hoá nguồn cung, nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn. Singapore đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hoá, nhất là các sản phẩm về nông nghiệp, xây dựng, hải sản...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh tới nguồn cung của Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn. Tính riêng trong tháng 3/2020, Thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, ước đạt khoảng 500 tấn hàng hóa, gồm đa dạng các mặt hàng như cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long...
Bà Trần Thu Quỳnh nhận định, dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu và tạo dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường Singapore. Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã đề xuất với Văn phòng Đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo đó, đối với các đơn hàng xuất sang Singapore, Vietnam Airlines sẽ dành ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn so với thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ và chắc chắn sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới. Theo VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ 2 thế giới.
Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra phi-lê thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra file Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.
Với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới. Trước mắt, việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc chưa làm việc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng đặc biệt là tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc nhận xét, với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.
Còn đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này và quan trọng hơn nữa khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.
Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này trong thời gian tới.
Ngoài ra, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hơn nữa, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Đây là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Thu Hà( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận