Giá sách giáo khoa mới cao là “điều phải chấp nhận”
Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN: Nếu ra sách đen trắng thì đến bao giờ học sinh, con em mình mới được học sách tương đương với khu vực và quốc tế.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vừa ra mắt 4 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 1 biên soạn theo chương trình phổ thông mới năm 2018. Đây là những bản mẫu SGK được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thẩm định, cùng với các bản mẫu SGK của 2 đơn vị khác là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Dự kiến, Bộ GD-ĐT sớm nhất trong tháng 11 này sẽ công bố SGK lớp 1 cho chương trình phổ thông mới. 4 bản mẫu SGK của NXBGDVN đều rất bắt mắt, với chất lượng giấy tốt và hình minh họa sinh động. Theo Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN Lê Hoàng Hải, hiển nhiên là giá SGK mới sẽ cao hơn giá sách hiện hành.
Các nhà xuất bản có liều lĩnh?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Hải cho rằng, SGK hiện hành đang là sách độc quyền, chịu sự quản lý và điều chỉnh giá của rất nhiều ban ngành, nên giá thành rất rẻ. Song, khi một chương trình cho phép lưu hành nhiều SGK thì các NXB đều phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, nên chắc chắn giá sẽ cao hơn sách hiện hành.
“SGK mới, về mặt chất lượng, chủng loại, giấy, kỹ thuật in đều được nâng lên và hiển nhiên về chi phí nguyên vật liệu đã làm cho giá thành tăng lên. Với một chương trình có nhiều bộ sách được sử dụng đồng thời, trong khi số lượng học sinh chỉ từng đó, nên số lượng sách bán ra của mỗi bộ sách sẽ thu hẹp lại”, ông Hải nói.
Giá SGK tăng sẽ là một trong những vấn đề gây chú ý và tạo dư luận đầu tiên khi sách được tung ra thị trường. Như vậy, các NXB có liều lĩnh khi tham gia biên soạn và phát hành SKG? Đó là còn chưa kể đến sự cạnh tranh giữa các NXB cùng ra sách theo chương trình phổ thông mới lần này. Ông Hải nhận định rằng, chắc chắn trong những năm đầu, NXB sẽ không có lời thậm chí có thể lỗ. Nhưng câu chuyện đầu tư chất lượng là một chặng đường dài. NXB sẽ có vị trí, uy tín và có thể bù đắp được lợi nhuận ở những năm sau.
Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN cho biết thêm, ở thời điểm này, vấn đề giá sách vẫn chưa được quyết định, bởi chưa có đủ dữ kiện để xây dựng giá. Giá sách còn phụ thuộc và đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố những bộ SGK mới, các NXB sẽ còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu và làm marketing, từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn.
Giá chỉ là một vấn đề, trong tất cả những năm đầu tiên thay SGK. Bên cạnh đó còn vấn đề nội dung, phương pháp dạy, sự đón nhận sách mới của giáo viên và học sinh…
Ông Hải cho rằng, câu chuyện này không phải là “sẵn sàng đương đầu”, mà là “điều phải chấp nhận” mỗi một lần thay SGK: “Như bốn lần thay sách trước đây, tất cả các vấn đề này Bộ GD-ĐT phải đối mặt, vì đội ngũ tác giả là của Bộ, SGK là của Bộ quy định. Với bối cảnh hiện nay, các NXB sẽ phải đối mặt nhiều hơn với dư luận và cả những yếu tố về thị trường”.
Phụ huynh nhìn mức giá cao sẽ có phản ứng, NXB có tính đến chuyện này không? Theo ông Hải, đặt ra vấn đề SGK mới giá như cũ là không thể.
“Nếu chỉ tính lợi nhuận, tính chuyện an toàn và lại ra sách đen trắng thì đến bao giờ học sinh, con em mình mới được học sách tương đương với khu vực và quốc tế. Chúng tôi cũng phải cân đối chi phí với giá bán để đảm bảo tái tạo lại sức lao động của tác giả, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB”.
Với ý kiến về việc giá SGK tăng ảnh hưởng tới học sinh các vùng nông thôn nghèo và học sinh người dân tộc, ông Hải cũng cho rằng, NXB cũng có phần trách nhiệm. Theo đó, NXBGDVN hàng năm đều có chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, là các chương trình của Nhà nước, của các tổ chức xã hội tặng sách cho trẻ em khó khăn. Ngay trong kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng có một khoản ngân sách để cung cấp sách cho trẻ các vùng khó khăn./.
Thiên Bình/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận