9 người chết trong container: Đây là một vụ mua bán người!
Theo ông Lê Quân, di cư bất hợp pháp đi liền với rủi ro rất cao và người dân di cư bất hợp pháp không được pháp luật bảo vệ
- Tài xế lái container chở 39 nạn nhân tại Bỉ ra toà tại CH Ireland
- Anh chú ý các đầu mối quan trọng vụ 39 người chết trong container
- Tổng đài Bảo hộ công dân tiếp nhận thông tin 39 người chết trong container
Liên quan vụ việc 39 người tử vong trong thùng xe container ở Anh, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân nhận định, đây là một vụ mua bán người, hoạt động tội phạm gây ra hậu quả thảm khốc, "hoàn toàn không phải là một vụ việc đưa người đi lao động ở nước ngoài được thực hiện theo chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam".
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với Anh để làm rõ các thông tin, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và đặc biệt là điều tra làm rõ các hành vi tội phạm, buộc các đối tượng phải đền tội.
Cảnh sát tại hiện trường phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh - Ảnh: Getty Images |
Ông Quân thông tin, giữa Việt Nam và Anh không có thỏa thuận tiếp nhận lao động. Chính sách nhập cư của Anh rất chặt chẽ và so với các quốc gia khác, thu nhập tại Anh khá cao, nên quốc gia này trở thành điểm đến của nhiều lao động bất hợp pháp từ nhiều quốc gia khác nhau.
“Di cư bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Hành vi tổ chức đưa người nhập cư trái phép được coi là buôn người, một hành vi phạm tội nguy hiểm. Di cư bất hợp pháp đi liền với rủi ro rất cao và người dân di cư bất hợp pháp không được pháp luật bảo vệ” – ông Quân nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ hội đi lao động ở nước ngoài hợp pháp hiện nay rất rộng mở và dễ tiếp cận. Việt Nam đã có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, NewZeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông. Hiện nay có 397 công ty được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các công ty được công khai trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Cũng theo ông Quân, đi lao động ở nước ngoài hợp pháp giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập cao và thoát nghèo. Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động đưa người lao động đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ đã dừng và thu hồi giấy phép của nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh đàm phán ký kết với nhiều ưu đãi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, trình Quốc hội sửa đổi Luật đưa người đi lao động ở nước ngoài (dự kiến thông qua trong năm 2020), xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động ở nước ngoài kết nối nhanh với bộ và có chức năng SOS khi cần thiết.
Bộ cũng chỉ đạo rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; cấp phép bổ sung cho gần 100 doanh nghiệp đủ điều kiện để mở rộng dịch vụ đến người lao động có nhu cầu. Cùng với đó là đẩy mạnh sự tham gia của các trường nghề để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Bên cạnh đó, Bộ đã đề nghị chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường truyền thông để người dân hiểu, tránh mạo hiểm đi lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế.
“Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chủ động liên hệ qua Trung tâm lao động ngoài nước của bộ, các doanh nghiệp được bộ cấp phép” – ông Quân thông tin./.
PV/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận