Sữa học đường góp phần cải thiện thể trạng trẻ em Việt Nam
Những kết quả ấn tượng ban đầu của chương trình sữa học đường (SHĐ) đang nhân lên niềm tin, rằng việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể chất cho trẻ em Việt Nam không còn là tương lai xa.
Trên thế giới, chương trình SHĐ được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… và ghi nhận những hiệu quả trong việc cải thiện tầm vóc. Đơn cử như Nhật Bản, sau 40 năm áp dụng, người Nhật đã tăng chiều cao tới 10 cm.
Góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai
Tại Việt Nam, năm 2016, Chương trình SHĐ quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện đến năm 2020 với mục đích cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Đặc biệt, chương trình SHĐ Việt Nam được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Chi phí cho các em uống sữa sẽ được được đóng góp từ 3 nguồn là Nhà nước, phụ huynh và doanh nghiệp cung ứng sữa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các em có điều kiện khó khăn, phụ huynh chưa có đủ điều kiện cho các em được uống sữa hàng ngày.
Hiện nay, trên cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố triển khai chương trình SHĐ và đạt được những kết quả bước đầu.
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai chương trình này từ năm 2007. Đến nay, chương trình SHĐ của tỉnh đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Cụ thể, số lượng học sinh mầm non đến trường ngày càng đông, luôn vượt chỉ tiêu. Trong trường mầm non 100% trẻ tăng cân, tăng chiều cao và phát triển trí tuệ tốt.
Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 thực hiện chương trình SHĐ. Theo số liệu của Sở GD&ĐT Bắc Ninh, cả giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có khoảng 300.000 lượt trẻ mầm non và 265.000 học sinh tiểu học được thụ hưởng chương trình này.
Hà Nội tuy mới triển khai từ tháng 1/2019, nhưng chương trình SHĐ đã có những kết quả rất ấn tượng. Cho đến nay, đã có đến hơn 1 triệu trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia, đạt tỷ lệ 87,7%.
SHĐ cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nam, Ninh Thuận… góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tầm vóc cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Viện Dinh dưỡng quốc gia đã nêu ra một thực tế tại Việt Nam, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu… vẫn ở mức rất cao so với thế giới. Trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,3% (năm 2016). Với thực trạng này, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc mỗi ngày được bổ sung ít nhất 1 hộp sữa trong bữa ăn học đường thông qua chương trình SHĐ là điều cần thiết.
Đề án “Sữa học đường” tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Sở GD&ĐT tỉnh kết hợp cùng Công ty Vinamilk thực hiện từ năm học 2007-2008 dành cho trẻ 3-5 tuổi đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện thể chất của các em. Cụ thể, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở tỉnh năm 2015 đã giảm 2,1% so với 2012. Cũng chỉ trong 3 năm, từ 2012 đến 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng đã giảm được 1,82%.
Tại Bắc Ninh, sau khi triển khai SHĐ từ năm 2013 đến 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ đã giảm đến 5%, từ 6,6% (năm 2013) chỉ còn 1,6% (năm 2017). Ở đối tượng trẻ mẫu giáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 4,6% xuống 1,6%, thể thấp còi giảm từ 4,2% xuống 2,8%. Trung bình tăng trưởng trong 4 năm về cân nặng là 1,4-1,5 kg, về chiều cao là 2,3-2,4 cm. Đây là những kết quả tích cực ghi nhận được cho thấy sự cải thiện thể trạng rõ rệt chỉ trong một thời gian ngắn triển khai.
Lan tỏa một chương trình nhân văn
Tuy vậy, nhìn trên bình diện toàn quốc, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao là 24,3% (năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Điều tra của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, khẩu phần ăn của người Việt hầu hết không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và chất khoáng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam năm 2018, lượng tiêu thụ sữa trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm, còn khá khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Chính vì vậy, việc nâng cao điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, cụ thể là bổ sung thêm sữa vào bữa ăn học đường cho trẻ em là rất thiết thực.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đánh giá chương trình SHĐ của Chính phủ với mục tiêu chính là nâng cao tầm vóc của trẻ em, là một đề án nhân văn được chuẩn bị kỹ càng sau nhiều năm và nghiên cứu mô hình tại nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan. Trong một vài năm gần đây, nhiều tỉnh thành đã thực hiện chương trình SHĐ và đạt kết quả rất tốt, nhận được sự đánh giá cao và hưởng ứng của toàn xã hội.
Dù đã có những kết quả bước đầu, nhưng sẽ cần thêm nhiều sự đầu tư lâu dài và nỗ lực hơn nữa để hiệu quả của chương trình SHĐ được nhân rộng tại các địa phương khác trong thời gian tới.
Cùng với sự đồng hành tích cực của các nhà sản xuất sữa lớn tại Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk, NutiFood... và sự tham gia của toàn xã hội trong việc nâng cao điều kiện dinh dưỡng cho trẻ em, thì mục tiêu cải thiện thể trạng cho thế hệ trẻ Việt Nam chắc chắn là một tương lai không xa.
Theo/ Minh Thi (Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận