Tăng giờ làm thêm là đi ngược với xu thế tiến bộ của thế giới
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ, không kích thích sự phát triển của khoa học công nghệ...
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ quốc hội thảo luận về một số vấn đề trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Vấn đề mở rộng thời gian làm thêm tối đa nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trình ra Quốc hội từ kỳ họp thứ 7 đã nêu phương án mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).
Sau nhiều vòng thảo luận, kết luận gần đây nhất của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 là không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Dù vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh, phản ánh của cơ quan soạn thảo cho biết, Chính phủ vẫn mong muốn phương án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định tại kỳ họp thứ 8. Do đó, Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội tiếp tục đưa vào Dự thảo luật 2 phương án để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, phương án 1, giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo nghị định chi tiết.
Theo đánh giá của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, muốn tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp phải dựa vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý. Nếu như tỷ lệ lao động làm ra sản phẩm cao, kết cấu lao động nhiều thể hiện dây chuyền lao động còn lạc hậu. Nếu tỷ lệ lao động trên sản phẩm giảm đi, điều này mới chứng tỏ dây chuyển sản xuất hiện đại, nhà máy hoạt động ổn định, đảm bảo đời sống người lao động.
"Người Mỹ sang Việt Nam mua hàng, họ đi xem công nhân ăn gì uống gì, được chăm sóc thế nào chứ không xem ngay sản phẩm, quan điểm của họ là nếu đời sống người lao động tốt thì sản phẩm tốt, vì thế tôi thiết tha đề nghị giữ nguyên không tăng giờ làm thêm”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đồng thuận với quan điểm không tăng giờ làm thêm, để doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ hiện đại hơn, ông Nguyễn Văn Giàu- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hiện nay vẫn có thực tế người lao động phải làm việc quá số giờ làm thêm tối đa 300 giờ. Nhưng không thể vì thế mà luật hóa để tăng số giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ. Đại biểu này cho rằng, trong trường hợp một số ngành nghề do nhu cầu đặc thù có thể xem xét tăng giờ làm thêm, thì tiền công lao động phải cao hơn, có cơ chế bảo vệ sức khỏe cho người lao động tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, để đưa ra được phương án hợp lý nhất, ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nên lấy ý kiến góp ý của đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương, các lãnh đạo, cơ quan quản lý lao động tại các địa phương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội 13 đã bàn về chiến lược phát triển, Thủ tướng rất quan tâm đến giải pháp đột phá về đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động. Nếu Bộ luật Lao động lại quy định theo hướng thâm dụng lao động thì đi ngược lại quan điểm phát triển.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua tập hợp, lấy ý kiến, nhiều cử tri không đồng tình với thỏa thuận tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm và cần đánh giá tác động thận trọng hơn.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc làm thêm giờ dựa trên nhu cầu từ cả 2 phía chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng thực tế giới chủ vẫn nhận được nhiều lợi ích hơn người lao động. Nếu tăng giờ làm thêm sẽ không thể tạo áp lực khiến các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, tự nâng cao năng lực quản lý. Về phía người lao động, nếu giờ làm thêm quá cao, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí họ không có thời gian để thụ hưởng những thành quả do bản thân tạo ra. Các vụ việc về bạo lực gia đình, một phần cũng có nguồn gốc từ những áp lực, sự mệt mỏi trong công việc.
Chốt lại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kiên trì quan điểm theo phương án 1 nhưng vẫn quyết định trình cả 2 phương án quy định để Quốc hội quyết./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận