50 năm Di chúc Bác Hồ: Những chỉ dẫn sâu sắc về chỉnh đốn Đảng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch đường lối đúng đắn cho Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và mai sau.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm cho Đảng thực sự là đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Đây cũng chính là một trong những điều tâm huyết nhất của Người thể hiện trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là văn kiện lịch sử vô giá mà còn mang tính định hướng, lời chỉ dẫn sâu sắc, vạch đường lối đúng đắn cho Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và mai sau.
Năm 1965, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên nói về Đảng, Bác đã đề cập vấn đề đoàn kết, Đảng tổ chức lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
3 năm sau đó - năm 1968, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bác đặt vấn đề “chỉnh đốn lại Đảng”, làm cho mỗi đảng viên làm tròn nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Đối với vấn đề đoàn kết trong Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín, Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng. Người yêu cầu, “Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”.
Với tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược cùng với sự mẫn cảm chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng, sớm chỉ ra nguy cơ cán bộ, đảng viên có thể bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, bị sa ngã trước sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc. Đảng viên sẽ đánh mất mình và bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguy cơ đó sẽ ngày càng tăng nếu mỗi cán bộ, đảng viên xem thường việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Do vậy, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên coi trọng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Bản Di chúc gần như định hướng cho Đảng cầm quyền về đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang thực hiện. Thứ nhất Bác Hồ nhắc đến là đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vấn đề thứ hai là đạo đức cách mạng. Người bình thường đã phải có đạo đức rồi nhưng người đảng viên, người lãnh đạo, đạo đức cực kỳ quan trọng”.
Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “cách tốt nhất” là phải thực hiện nghiêm túc, triệt để các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, tự phê bình và phê bình. Thực hiện lời căn dặn của Người, Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 1 trong 27 biểu hiện của suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm không dám nhận trách nhiệm. Trong phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Tự phê bình và phê bình phải được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu trong các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng.
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là phải làm cho Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thấy rõ việc phục vụ nhân dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm vinh dự, nguồn hạnh phúc của chính mình. Đảng không có lợi ích nào khác là phải xây dựng “quan hệ máu thịt” với nhân dân, có trách nhiệm phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.
50 năm đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Bác luôn mang tính định hướng, là lời chỉ dẫn sâu sắc, vạch đường lối đúng đắn cho Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Thực hiện Di chúc của Người, nhân dân đang trông chờ vào Đảng, vào hiệu quả của việc thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Điều quan trọng hơn tất cả là phải làm cho Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ việc phục vụ và chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm vinh dự, nguồn hạnh phúc của chính mình. Thực hiện tốt các điều này cũng chính là thực hiện Di nguyện của Người trước lúc đi xa./.
Lại Hoa/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận