Dùng sản phẩm chủ lực đặc trưng của Tây Bắc để thúc đẩy phát triển bền vững
Đầu tư của Nhà nước mang tính xúc tác, kiến tạo cho động lực bứt phá
Đề cập đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi phía bắc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, các tỉnh Tây Bắc, có mở rộng miền núi của Thanh Hoá và Nghệ An, là vùng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, trình độ của người lao động chưa cao. Tây Bắc cũng rất khó khăn về phát triển công nghiệp (dù còn tiềm năng về thủy điện, tài nguyên khoáng sản nhưng chế biến sâu, công nghệ bảo vệ môi trường cần được chú trọng). Do vậy, cần quan tâm đến nông nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ đối với khu vực này.
Về định hướng phát triển Tây Bắc thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch để tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh, hiện trạng, tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Bắc. Theo đó, cần quy hoạch vùng Tây Bắc với sự tham gia chủ động, kịp thời của các tỉnh trong vùng. Quy hoạch phải xác định rõ những nội dung ưu tiên, các dự án và chương trình trọng điểm có khả năng đột phá làm cơ sở để bố trí và huy động nguồn lực nhà nước và xã hội thực hiện hiệu quả quy hoạch của vùng. Vì nguồn lực có hạn nên phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện cuốn chiếu “làm đến đâu, xong đến đó”, phát huy hiệu quả ngay để tích lũy nội lực cho vùng. Chỉ có thông qua quy hoạch vùng mới có thể chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chấm dứt cách tiếp cận phân bố nguồn lực ngân sách theo cách chia đều mà dựa trên mục đích, hiệu quả lan tỏa, thực sự bền vững.
“Đầu tư vốn Nhà nước mang tính xúc tác, kiến tạo, đầu tư phải tạo ra đầu tàu và động lực bứt phá”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Tương tự, quy hoạch của tỉnh cũng phải đi theo các nguyên tắc và định hướng như quy hoạch vùng nói trên. Cụ thể, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phải xác định được các dự án đầu tư ưu tiên nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của vùng và của tỉnh (gồm các sản phẩm dược liệu, trái cây, chăn nuôi, du lịch…) với thị trường trong và ngoài nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, có khả năng phát triển thành vùng sản xuất nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến công nghệ mới đủ quy mô hình thành chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, là tiền đề để thu hút đầu tư tư nhân. Chỉ có phát triển sản phẩm chủ lực đặc trưng của vùng theo quy mô thương mại, cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài thì mới có thể phát triển bền vững. Các mô hình nhỏ lẻ, chỉ đủ tự cung tự cấp, đủ để xóa đói nhưng không thể chống tái nghèo, không thể giảm nghèo bền vững. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tuy khó nhưng mang lại giá trị cao, có thị trường xuất khẩu tốt, rất ổn định.
Trong tình hình hiện nay, yêu cầu phát triển nông nghiệp sạch thế giới đang rất khắt khe, do đó, cần phải tính toán đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hạ tầng làm nền tảng cho phát triển.
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược để Tây Bắc phát triển
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc cần tập trung thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao khả năng kết nối giao thương cho vùng, kết nối các vùng trung tâm của tỉnh với các tuyến đường cao tốc đã và đang hình thành để nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự bình đẳng giữa các địa phương trong hưởng lợi từ các dự án giao thông. Ví như, nghiên cứu, đầu tư thêm đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với Lai Châu, Hòa Bình-Mộc Châu, nâng cấp Quốc lộ 279, nghiên cứu cho chiến lược với tầm nhìn và kế hoạch trung hạn để nâng cấp, xây dựng các sân bay ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên và nhu cầu cấp thiết để kết nối đường bộ, đường không các tỉnh với nhau. Kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, trong đó có Hà Nội với bên ngoài để liên kết, chia sẻ, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm nghiệp, giảm chi phí logistics, thu hút các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khu vực Tây Bắc đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cho giai đoạn phát triển mới của đất nước và nắm bắt những cơ hội do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, coi đây là nền tảng quan trọng giúp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo văn hóa, đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục quốc dân, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất lao động, có kế hoạch hỗ trợ kỹ năng cho người dân, đạt được năng suất cao, chất lượng cao trong các hộ sản xuất trang trại, doanh nghiệp.
Về phát triển du lịch bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, đây cũng là cách xóa đói giảm nghèo nhanh, hướng đến tương lai để Tây Bắc làm giàu với tiềm năng du lịch hiện có bởi nơi đây sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ như đỉnh Fansipan, các hồ lớn như Ba Bể, những cánh đồng lúa trải dài, là địa bàn sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đậm đà bản sắc văn hóa. Điều này đòi hỏi phải xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng cho du lịch, gắn kết với hạ tầng giao thông, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, cung ứng dịch vụ thân thiện để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Xây dựng tư duy sản xuất hàng hóa lớn nhưng bảo vệ môi trường
Về phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, đây là bài toán khó, phức tạp với vùng Tây Bắc, nhưng cần tập trung theo hướng thay đổi tư duy sản xuất nông, lâm ngư nghiệp đơn thuần sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp, kinh tế hàng hóa, chú ý quy hoạch vùng trồng cây đủ lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng. Phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm ngư nghiệp theo hướng xanh sạch, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, chú ý thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi cung ứng bên cạnh việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh hiện trong khu vực đang còn thấp. Có chính sách mới để thu hút, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nói chung.
Theo đó, cần tạo ra điều kiện, cơ chế phát triển để tạo ra lực lượng kinh tế tư nhân trong sản xuất nông nghiệp như có chính sách hỗ trợ hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại… Nhưng đứng sau phải có doanh nghiệp đầu tư mới có thể thúc đẩy phát triển được, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng. Rà soát các quy định về hạn điền, tạo điều kiện cho tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn để ngành nông nghiệp thu hút vốn đầu tư, tạo ra sự thay đổi nhanh về sản xuất và thị trường.
Có thể nghiên cứu mô hình của một số nơi như các hợp tác xã kiểu mới phát triển thành công, các mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa phương.
Ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần tập trung chăm lo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc, không chỉ là lo phát triển kinh tế mà còn nâng cao dân trí, văn hóa, tạo sinh kế cho người dân để đời sống nhân dân ngày càng khấm khá hơn. Không để người dân khiếu kiện, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu kiện cho tốt, không để phát sinh, lây lan.
Đây là khu vực có đường biên giới dài nên cần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, chống tội phạm về ma tuý, buôn bán người đang diễn biến phức tạp, xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở thật sự vững mạnh, phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với các phong trào xây dựng tuyến biên giới vững mạnh.
Lê Sơn( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận