WHO: 20 triệu trẻ em chưa tiêm vaccine sởi, bạch hầu, uốn ván
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) vừa công bố, khoảng 20 triệu trẻ em trên thế giới chưa được tiêm vaccine phòng sởi, bạch hầu, uốn ván trong năm 2018.
Ảnh: VGP/Hiền Minh
Trong đó, có tới 60% số trẻ em chưa được tiêm vaccine thuộc 10 quốc gia, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có 3 quốc gia: Indonesia (1 triệu trẻ); Philippines (750.000 trẻ) và Việt Nam (390.000 trẻ).
Trên thế giới, từ năm 2010, tỉ lệ tiêm phòng ba liều vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP3) và một liều vaccine sởi đã chững lại ở mức 86%. Tỉ lệ này tuy là cao nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải đạt được độ bao phủ tiêm chủng 95% trên thế giới, ở tất cả các quốc gia, các cộng đồng, mới có thể chống lại được sự bùng phát của những bệnh có thể phòng tránh được nhờ vaccine. Vaccine là 1 trong 4 công cụ quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và bảo vệ thế giới an toàn.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, hiện nay phần lớn trẻ em đã được tiêm chủng, nhưng vẫn còn nhiều trẻ em khác bị “bỏ lại phía sau” không được tiêm chủng. Đó là những trẻ em nghèo nhất, thiệt thòi nhất, những trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc trẻ di cư... Nếu những trẻ em này bị ốm, sẽ có nguy cơ chịu những hậu quả nghiêm trọng nhất về sức khỏe, và ít có khả năng được điều trị và chăm sóc nhất.
Cũng theo công bố này, vẫn còn có sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận với vaccine ở các quốc gia, dù là ở quốc gia thu nhập cao hay thu nhập thấp. Điều này đã dẫn đến dịch sởi bùng phát mạnh ở nhiều nơi trên thế giới – cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Riêng năm 2018, trên thế giới có gần 350.000 ca nhiễm sởi, gần gấp đôi so với năm 2017.
“Sởi là một chỉ số thực cho thấy những khu vực nào chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để chống lại những bệnh có thể phòng tránh được”, bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành Unicef cho biết.
Ukraine dẫn đầu danh sách các quốc gia có số ca nhiễm sởi cao nhất năm 2018. Trước đó, độ bao phủ tiêm chủng ở nước này đã từng ở mức thấp trong một vài năm, khiến một số lượng lớn trẻ em và người lớn có nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, Ukraine đã tiêm chủng được cho hơn 90% trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vaccine sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Cục Y tế dự phòng cảnh báo, bệnh sởi lây lan khi ho và chảy nước mũi, họng, tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng của người bệnh. Trong vòng 2 giờ, virus vẫn hoạt động và có khả năng lây nhiễm trong không khí hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người từ 4 ngày trước cho đến 4 ngày sau khi phát ban.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo, những ổ dịch sởi gần đây cho thấy rõ những khoảng trống trong việc chống lại dịch bệnh sởi ở cả trẻ em và người lớn, vì vậy tất cả người dân nên kiểm tra tình trạng tiêm chủng để đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.
Những người chưa chắc chắn về tình trạng tiêm vaccine sởi nên được tiêm ít nhất một mũi vaccine sởi. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tất cả các hành khách quốc tế nên tiêm vaccine sởi ít nhất 15 ngày trước khi khởi hành.
Vaccine sởi có thể được tiêm cùng thời điểm với các loại vaccine khác như vacine sốt vàng. Tất cả các hành khách nên nhận hướng dẫn từ các cán bộ y tế và ý thức về nguy cơ nhiễm bệnh sởi, sự lây truyền và triệu chứng của bệnh sởi.
Hiền Minh( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận