Tăng lương từ 1/7, cán bộ, công chức có sống được bằng lương?
Tăng lương cho cán bộ công chức từ 1/7 nhưng trước đó giá điện đã tăng mạnh khiến khoản lương được tăng thêm chỉ đủ bù vào tiền điện.
Cán bộ, công chức, người lao động nhận tin vui tăng lương từ 1/7/2019. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo về việc hàng loạt các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá theo lương.
Từ cuối tháng 3/2019, giá điện đã chính thức tăng, theo công bố của EVN là 8,36% nhưng thực tế số tiền phải trả tăng thêm của mỗi gia đình công chức, viên chức bình thường đã tăng lên hàng trăm nghìn đồng. Điều này có nghĩa, việc tăng lương có khi còn chưa đủ để bù vào tiền điện mới tăng. Chưa kể, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu khác ăn theo điện cũng tăng giá. Hy vọng cải thiện cuộc sống từ việc được tăng lương đã kịp nguội lạnh từ trước khi lương chính thức được tăng.
Thống kê gần đây nhất của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý 1/2019, ngân sách Nhà nước dành cho chi thường xuyên đạt gần 237.200 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng chi. Và dù đã trải qua 4 lần cải cách nhưng chính sách lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đời sống của người dân còn khó khăn.
Nghị quyết 27 đề ra mục tiêu: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị; Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức"... Thế nhưng xem ra mục tiêu này còn rất xa vời khi mà công cuộc tinh giản biên chế đã thất bại. Thực tế đã có sự sắp xếp, giảm đầu mối nhưng số lượng biên chế lại gần như không giảm. Với mức độ chi tiêu ngân sách cho tiền lương như hiện nay thì không có ngân sách nào chịu đựng nổi. Cải cách tiền lương chỉ có thể thành công nếu ta thực hiện thành công sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nhưng thực tế, một số đơn vị sau khi phê duyệt đề án vị trí việc làm thì tổng số người làm việc trong cơ quan, đơn vị lại cao hơn vị trí hiện tại.
Mục tiêu của cải cách tiền lương là để tiền lương không phải chỉ tăng thêm thu nhập mà đó chính là động lực tăng năng suất lao động, tăng điều kiện để thăng tiến. Bất cập tiền lương hiện nay dẫn đến tha hóa công chức, viên chức.
Đã đến lúc cần phải mạnh tay siết chặt kỷ luật ngân sách, có giải pháp mạnh giảm chi thì mới hy vọng có thể giảm áp lực của ngân sách khi không gian tài khóa đang hẹp lại và tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc.
Vòng rượt đuổi giá và lương, công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy thực hiện như hiện nay thì kỳ vọng tiền lương thực sự là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của cán bộ, công viên chức bao giờ thành hiện thực?/.
An Nhi/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận