Bệnh sởi: Nên tiêm phòng hay để miễn dịch tự nhiên?
Sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do virus rubela gây ra. Khả năng lây nhiễm của virus sởi rất mạnh. Những người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc sởi nếu nhiễm phải virus thì 90% sẽ mắc bệnh sởi. Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có một số chia sẻ với độc giả.
- Bệnh sởi gia tăng: Trẻ cần tiêm phòng đủ và đúng lịch
- Nhiều người lớn mắc sởi: Nguy cơ bùng phát dịch sau Tết
- Phụ huynh chủ quan không tiêm phòng, trẻ gặp biến chứng nặng vì sởi
- Trẻ mắc sởi bị biến chứng nguy kịch do chưa tiêm phòng
- TP HCM bùng phát dịch sởi ở cả người lớn và trẻ em
Khi bị mắc bệnh sởi, bệnh nhân ban đầu có tình trạng viêm kết mạc: mắt đỏ, nhìn chói, chảy nước mắt. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ ho khan. Sau đó vài ngày, bệnh nhân có sốt cao, phát ban lan từ chân tóc xuống toàn thân, khi ban mọc đến chân thì ban trên mặt bắt đầu bay. Tuy nhiên một số bệnh nhân sẽ có các biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa,…
Các biến chứng này thường rất trầm trọng ở những người bệnh suy dinh dưỡng hoặc bị suy giảm miễn dịch. Thống kê chung cho thấy cứ 1000 người bị mắc sởi sẽ có ít nhất 2 người tử vong. Đặc biệt ở những quần thể chưa từng có miễn dịch với bệnh sởi thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 25-30%.
Lịch sử đã ghi nhận vào năm 1875, trong vòng 6 tháng bị dịch sởi ở quần đảo Fiji, trong số 135 ngàn người dân ở đây đã có 36 ngàn người tử vong. Sở dĩ, bệnh sởi lây lan mạnh và tử vong cao như vậy vì cộng đồng dân cư ở đây thời đó chưa có miễn dịch, và virus sởi có thể lây lan tự do từ người mắc bệnh sang người lành chưa có miễn dịch.
Nếu không tiêm chủng, chúng ta có thể vẫn có miễn dịch tự nhiên với bệnh sởi sau khi bị mắc bệnh. Tuy nhiên để có được miễn dịch tự nhiên như vậy, ta phải chấp nhận nguy cơ tử vong không hề thấp khi mắc bệnh sởi.
Tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Mặc dù nếu tiêm 1 mũi thì chỉ 85% trẻ có miễn dịch và nếu tiêm đủ 2 mũi cũng chỉ 95% trẻ có miễn dịch đầy đủ. Nhưng khi 93% số cá thể trong cộng đồng đã có miễn dịch thì xác xuất một người bệnh làm lây sang một người lành không có miễn dịch khó xảy ra nên sẽ chỉ có những ca bệnh lẻ tẻ mà không bùng phát thành dịch.
Vaccine sởi là loại vaccine khá an toàn. Sau tiêm có thể có tác dụng phụ nhưng thường nhẹ và không kéo dài. Các tác dụng phụ gồm có đau tại nơi tiêm, dẫn đến trẻ quấy khóc hay sốt nhẹ. Theo ghi nhận, cứ khoảng 100.000 người thì có 1 người bị phản vệ. Tuy phản vệ là biến chứng nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng rõ ràng nguy cơ này thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ tử vong nếu mắc bệnh sởi.
Về chi phí, vaccine phòng bệnh sởi được tiêm miễn phí trong các vaccine phối hợp của chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngay cả khi dùng vaccine dịch vụ cũng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí nằm viện, chăm sóc, cách ly trong 5-7 ngày nếu mắc bệnh sởi. Hơn nữa, nếu không may có những biến chứng như viêm phổi, viêm não, loét giác mạc thì quá trình điều trị có thể rất lâu dài, cam go và tốn kém.
Năm 1998, có một nghiên cứu “cẩu thả” công bố có liên quan giữa vaccine Sởi, quai bị, rubella (MMR) với bệnh tự kỷ làm dấy lên phong trào anti-vaccine. Mặc dù các nghiên cứu kỹ càng hơn sau này đã phủ nhận điều này, nhưng phong trào anti-vaccine cũng đã gây giảm tỷ lệ tiêm chủng và gia tăng số ca mắc sởi. Hậu quả là số ca sởi ở Mỹ tăng nhanh từ 50-60 ca/ năm trước đó lên trên 200 ca mỗi năm. Tại Anh năm 2008 có gần 1400 ca mắc sởi. Tính chung trên thế giới, thập kỷ 80 của thế kỷ 20 hàng năm có khoảng 2,6 triệu người chết vì sởi. Nhờ những nỗ lực trong tiêm chủng, đến năm 2014, số ca tử vong vì sởi giảm xuống còn 75 ngàn người. Nhưng do hậu quả của việc giảm tỷ lệ tiêm chủng nên số ca mắc sởi và tử vong do sởi từ 2017 lại có xu hướng gia tăng.
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận