Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập trong một thế giới đầy biến động
Thời gian qua, xung đột chiến tranh, thương mại, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục.
Hai năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát và tình hình thế giới biến động những tháng gần đây, tác động đến mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn thế giới, kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Khi đã khống chế được dịch bệnh, phục hồi kinh tế, hơn lúc nào hết, Việt Nam thấy rõ được những điểm yếu, những lỗ hổng của nền kinh tế để khắc phục, đồng thời tiếp tục công cuộc tái cơ cấu kinh tế theo định hướng đã đề ra, trong điều kiện, tình hình rất khác trước đây.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 vừa diễn ra đã một lần nữa khẳng định Việt Nam cần “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.
Kinh tế Việt Nam trong thế giới đầy biến động
Thời gian qua, xung đột chiến tranh, thương mại, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục. Dễ nhìn thấy nhất là tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất và phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định mà trước đó chúng ta đã liên tục cảnh báo.
Sau đó là tình trạng thiếu thị trường xuất khẩu, thiếu lao động, thiếu vốn, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa tốt... Thực tế các ngành sản xuất chính phục vụ xuất khẩu hiện nay đều rất phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài. Cụ thể như ngành thép Việt Nam mỗi năm nhập khẩu 9,3 triệu tấn thép, ngành dệt may nhập khẩu 90% bông và 40-45% vải, ngành nhựa nhập khẩu 70% nguyên liệu…
Tác động của các cuộc xung đột, chiến tranh thương mại làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động đến giá cả các nguyên liệu chính cho sản xuất. Trong khi đó, bất cập lớn của Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp vật liệu. Chúng ta chưa tự chủ được các vật liệu cho sản xuất.
Việt Nam cần thực hiện đổi mới về công nghệ và tiến tới tự chủ công nghệ
Về thách thức từ cuộc chiến Nga-Ukraine, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tại Việt Nam cảnh báo: "Cả hai nền kinh tế Nga và Ukraine về quan hệ thương mại, đầu tư, tài chính với Việt Nam tác động trực tiếp không nhiều. Nhưng tác động gián tiếp liên quan đến giá nhiên liệu, giá lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng mới là lớn".
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, các biến động đó cũng đồng thời mở ra những hướng phát triển mới, đòi hỏi doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải đáp ứng để tồn tại và phát triển. Các rủi ro hiện nay từ dịch bệnh, thiên tai đến chiến tranh đều mang tính toàn cầu, tác động đến mọi quốc gia. Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn nhưng cũng có sự tự tin nhất định, có khát vọng, có quyết tâm. Và việc xác định phải xây dựng nền kinh tế có năng lực độc lập, tự chủ trong điều kiện toàn cầu hóa là hoàn toàn đúng đắn.
"Kinh tế Việt Nam chưa mạnh nhưng thế giới lại đang chuyển mạnh sang thời đại công nghệ cao. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới với rất nhiều rủi ro, bất trắc và đang đòi hỏi cấu trúc lại kinh tế. Điều đó chúng ta cần nhận diện là cơ hội lớn và cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế còn yếu như Việt Nam" - PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ.
Để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong hội nhập sâu rộng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong 4 yếu tố trụ cột để phát triển kinh tế là thể chế chính sách, vốn, lao động và công nghệ đổi mới sáng tạo thì hiện nay công nghệ là yếu tố còn dư địa để khai thác. Trải qua điều kiện dịch bệnh trên diện rộng, đòi hỏi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vào phát triển kinh tế lại càng bức thiết.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, có hai nhiệm vụ then chốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là, thực hiện đổi mới về công nghệ và tiến tới tự chủ công nghệ; tập trung phát triển thị trường trong nước. Chúng ta có dân số gần 100 triệu người, tỉ lệ người dân có thu nhập trung bình cao gia tăng và là thị trường tiêu thụ cực kỳ lớn, cần có giải pháp khai thác hiệu quả.
Theo ông Hiển: "Việt Nam dù đạt được những thành tựu về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng để xây dựng nền kinh tế tự chủ thì mức độ tự chủ về công nghệ chúng ta vẫn còn hạn chế, đang ở mức thấp trong năng lực đổi mới sáng tạo. Do đó, cái gốc đầu tiên là phải thay đổi các chính sách, giúp doanh nghiệp có thể thúc đẩy ứng dụng và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, tự chủ công nghệ".
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, phân tích: Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn với nhiều tác động bất lợi từ các cú sốc bên ngoài. Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới hiện nay, cần tăng năng lực chống chịu. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng… có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài.
Một nền kinh tế có nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thực tế tư duy “đi tắt đón đầu” và những lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0 nếu được tận dụng tốt cũng chính là một trong những cách thức giúp chúng ta có được độc lập, tự chủ nhờ hội nhập.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành cũng nhấn mạnh, để nền kinh tế phát triển, cần phải hội nhập, tận dụng hiệu quả hội nhập: "Chúng ta cần đẩy mạnh tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta không chỉ chấp nhận luật chơi mà chuyển sang tham gia xây dựng luật chơi. Dù còn nhiều điểm chưa mạnh nhưng Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực trong hội nhập chủ động".
Việt Nam thực hiện mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, định hướng phát triển của Việt Nam là phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập. Yêu cầu cấp thiết là xử lý các thách thức nổi lên, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng để tự chủ nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định: "Độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong đó, nội lực là yếu tố quyết định, lâu dài còn ngoại lực là quan trọng, đột phá và thường xuyên. Phải kết hợp được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, có sự tương trợ nhưng vẫn độc lập các nguồn lực"./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận