Tự xác định ghi xuất xứ hàng hóa: Thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp
Quy định mới về nhãn hàng hóa giúp tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, đồng thời tránh được việc trục lợi và trốn thuế trong sản xuất, chế biến cũng như xuất khẩu.
Tình trạng doanh nghiệp (DN) thiếu hiểu biết hay cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhằm trục lợi, trốn thuế thời gian qua gây nhiều thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Không những thế, sai lệch xuất xứ hàng hóa xuất khẩu còn là nguyên nhân của nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại làm giảm uy tín của DN, ngành hàng và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Thực thế thời gian qua, các DN vẫn đang gặp rất nhiều khúc mắc trong vấn đề về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng. Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều DN xuất khẩu đã vướng phải không ít tình huống éo le khi cùng 1 mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng nếu sản phẩm đó xuất khẩu sang mỗi thị trường yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác nhau.
Đơn cử như với thị trường Singapore, sản phẩm dệt may chỉ cần là quần áo đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa là khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi. Nhưng cũng cùng loại sản phẩm đó khi xuất khẩu sang thị trường EU lại phải đáp ứng quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.
“Một sản phẩm dù cùng của 1 nhà máy xuất khẩu, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong khối ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không được đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí có xuất xứ Việt Nam. Chính vì vậy, các DN trước khi xuất khẩu hàng hóa đến thị trường nào đều cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường đó, để có thể làm hồ sơ chứng minh xuất xứ cho phù hợp”, bà Hiền lưu ý.
Có hiệu lực từ ngày 15/2 tới đây, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 15 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cụ thể, xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN
Theo các chuyên gia, việc đưa ra các quy định chi tiết về nhãn hàng hóa sẽ là một trong những giải pháp phù hợp giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng nâng cao công tác kiểm tra và đấu tranh với gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Ông Thái Hồng Lam, Chuyên gia phát triển kinh tế cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43 sẽ giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi DN. Quy định mới đảm bảo tính minh bạch cũng như sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa, tuân thủ theo đúng quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo phân tích của ông Lam, trong công tác quản lý nhà nước, quy định mới về nhãn hàng hóa sẽ tránh được sự lợi dụng của một số DN trong việc trục lợi và trốn thuế, đồng thời cũng giúp đơn giản hóa một số thủ tục hành chính cho DN, khi phần lớn các DN của Việt Nam hiện nay là các DN vừa và nhỏ, nhận thức còn hạn chế, nhất là những kiến thức thương mại trong cam kết của Việt Nam đối với các đối tác khác thông qua các FTA.
“Trong bối cảnh nhận thức của DN còn hạn chế càng cần phải nâng cao nhận thức cho DN, nếu cứ để DN lợi dụng trốn thuế hoặc trục lợi thông qua tờ khai nguồn gốc xuất xứ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng của ngành hàng của Việt Nam, về lâu dài còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của cả nền kinh tế”, ông Lam chỉ rõ.
Để từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của DN cũng như tạo thuận lợi nhất cho các DN trong sản xuất và xuất khẩu, ông Lam cho rằng nhà nước cần có lộ trình nâng cao nhận thức, ý thức cho DN bằng những hướng dẫn, quy định cụ thể về dán nhãn nguồn gốc xuất xứ đối với từng nhóm hàng tại từng thị trường theo các cam kết quốc tế. Đối với DN cần liên tục trao đổi, cập nhật thông tin từ các tổ chức ngành hàng, cơ quan quản lý, cơ quan thương vụ nước ngoài để nắm bắt những quy định mới từ các thị trường xuất khẩu, tránh để những vụ việc đáng tiếc xảy ra./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận