Tiếp sức cho doanh nghiệp tư nhân
Để đạt tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng hai con số từ năm 2026 thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. Đây là áp lực rất lớn nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có sự thay đổi lớn với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhất là rủi ro về “cuộc chiến thương mại” toàn cầu đang hiện hữu.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Với quan điểm phát triển đột phá, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển, nước ta xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về kỷ nguyên phát triển mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.

Doanh nghiệp (DN), doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nước ta hiện có hơn 940.000 DN đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Đáng chú ý, đã xuất hiện một lực lượng DNTN lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Thaco, Hòa Phát...
Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, khích lệ, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng cộng đồng DNTN còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn DNTN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị hạn chế. Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ DN vừa và lớn, tuy nhiên chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các lĩnh vực mới, có tính dẫn dắt để tạo động lực bứt phá, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp.
Phân tích của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các chính sách hỗ trợ DN của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua như tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho DN; việc sửa 4 luật về đầu tư, 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã có những tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng DN. Điều này được phản ánh qua số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 là 233,4 nghìn DN, cao gấp 1,2 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, số vốn đăng ký bổ sung của DN đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023. "Đây là một trong những dấu hiệu tích cực, các DN đang hoạt động là những DN đã có trải nghiệm, thích nghi trong nền kinh tế, khi bỏ vốn kinh doanh đồng nghĩa với việc đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Bên cạnh những điểm sáng, Tổng cục Thống kê cho rằng, số DN tạm ngừng kinh doanh năm 2024 đã vượt mốc 100.000 DN, phần nào cho thấy những khó khăn của DN vẫn còn hiện hữu. Đó là áp lực tới từ thị trường, thủ tục hành chính rườm rà... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển DN và đời sống nhân dân.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Tình hình thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, nới lỏng tiền tệ... tiềm ẩn rủi ro với kinh tế toàn cầu. Cùng với sự nỗ lực, các DN và chuyên gia đều kiến nghị, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN; cùng với đó, giám sát việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. "DN mong chờ vào những cải cách nâng cao cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả cho DN yên tâm hoạt động”, TS Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị.

Phản ánh ghi nhận tại nhiều DN, bà Nguyễn Thị Hương thông tin, DN đề nghị được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu... Đặc biệt, DN tiếp tục mong muốn được cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Gợi mở những giải pháp để tiếp sức DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Giải pháp trọng tâm tiếp theo là có cơ chế, chính sách phù hợp để DN trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia...
Về nội dung hình thành các “sếu đầu đàn”, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các DN dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển DN nhỏ và vừa.
KHÁNH AN
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-tu-nhan...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận