Thương vụ Vinmart-Masan: Kỳ vọng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng
Đại diện Masan khẳng định, khi có “chủ mới”, mọi việc sẽ trở nên tốt hơn khi Masan đưa kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tiêu dùng vào lĩnh vực bán lẻ.
Cú “bắt tay” lịch sử của Vinmart và Masan
Tập đoàn Vingroup vừa gây “sốc” khi ngày 3/12 công bố thông tin hoán đổi cổ phần VinCommerce và VinEco với tập đoàn Masan.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Chia sẻ với báo chí về sự hợp tác giữa nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam và công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt. Đồng thời, sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”.
Nói về thương vụ chấn động thị trường này, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho hay, VinCommerce và VinEco đều đang phát triển rất tốt. VinCommerce hiện dẫn đầu thị trường với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+. Quý 3/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và chiếm tới 25% tổng doanh thu của Tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản.
“Với bán lẻ và nông nghiệp, về cơ bản, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu. Vingroup đã kiến tạo thành công hệ thống bán lẻ quy mô số 1 thị trường, đối trọng sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce cũng hỗ trợ nhiều nhà sản xuất nội cùng phát triển. Bên cạnh đó, VinEco đã đạt được mục tiêu truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Giờ đây, Vingroup có thể tự tin bàn giao lại 2 hệ thống này cho một doanh nghiệp Việt xứng tầm, có năng lực cốt lõi phụ hợp để tiếp tục phát triển hệ thống này một cách vững mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Việt Quang nói.
“Chọn mặt gửi vàng” nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt
Cũng theo ông Nguyễn Việt Quang, Vingroup chọn Masan nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước. Quan trọng hơn là doanh nghiệp được chọn có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới.
Nhận định về sự chuyển giao của hai “ông lớn” trong ngành bán lẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, cái “bắt tay” lịch sử trong những ngày cuối năm 2019 giữa Vinmart và Masan là một “phép cộng” đẹp giữa các doanh nghiệp Việt với nhau. Vingroup được biết đến là một tập đoàn mạnh về bất động sản, công nghiệp và bán lẻ. Nhiều năm gần đây, mảng bán lẻ đã phát triển nhanh chóng, bao gồm 2.600 siêu thị và cửa hàng tự chọn trên thị trường Việt Nam.
Việc tập đoàn này công bố chuyển hướng, nhường “mặt trận” bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan là một điều tất yếu, đó là một cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới.
“Sự cộng tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là một điều rất đáng khích lệ, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt đang yếu về nhiều mặt thì rất cần sự liên kết hợp tác để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Trên thế giới xu hướng tiến tới chuyên môn hóa để tối ưu cho nguồn lực là một xu thế tất yếu, vì vậy, “phép cộng” giữa Vingroup và Masan rất đáng để Nhà nước và dư luận ủng hộ. Phép cộng này nếu hợp tác làm ăn hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt, đồng thời, Việt Nam sẽ có thêm những tập đoàn phân phối mạnh để xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai”.
Sau 1 ngày sáp nhập, theo khảo sát của PV VOV, tại hệ thống siêu thị Vinmart trên các phố: Đội Cấn, tòa nhà Vincom Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Lý Thái Tổ…, mọi hoạt động tại những siêu thị này vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Chị Trần Thu Trang, một khách hàng ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, hàng tuần chị thường đến mua sắm tại siêu thị Vinmart Đội Cấn, biết được thông tin Vinmart sáp nhập với Masan, chị khá bất ngờ. Chị Trang mong rằng, sự chuyển giao này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang đến lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chị mong muốn, thời gian tới, giá hàng hóa tại các siêu thị do Masan tiếp quản sẽ giảm xuống so với mức giá cũ. Bởi thực tế, trước đó, giá các loại hàng hóa tại Vinmart luôn cao hơn giá hàng bán bên ngoài.
Đoán biết tâm lý của người tiêu dùng, đại diện Masan khẳng định, khi có “chủ mới”, mọi việc sẽ trở nên tốt hơn khi Masan đưa kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tiêu dùng vào. Sau khi tiếp quản, Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại cũng như chính sách đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan./.
Nguyễn Quỳnh-Chung Thủy/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận