Thương mại điện tử xuyên biên giới - cơ hội lớn để hàng Việt vào EU
Với lợi thế kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mở rộng phạm vi nhóm hàng, sản phẩm và đối tượng bán hàng lớn hơn trước.
Hiện nay, các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) còn rất sơ khởi. Nhưng tin mừng là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có những thành công ban đầu, khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới của mình tại EU.
Vừa qua 3 tấn vải thiều Bắc Giang đầu tiên của Việt Nam đã được nhập khẩu sang Đức qua sàn thương mại điện tử Voso. Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), để từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho DN xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel cho biết, việc tham gia TMĐT xuyên biên giới đã được Voso lên kế hoạch từ lâu. Tới đây, DN sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản lên sàn TMĐT, nhưng không chỉ là phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà cho cả bà con kiều bào cũng có cơ hội được thưởng thức những món ăn đậm hương vị quê hương, góp phần nâng tầm nông sản Việt.
Nhìn nhận về sự kiện này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đã xuất khẩu lượng lớn trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á,… trong đó xuất khẩu qua TMĐT giữa DN với khách hàng (B2C) đều thông qua nền tảng TMĐT quốc tế như Amazon.
“Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức TMĐT xuyên biên giới của Voso Global - nền tảng TMĐT của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt. Có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như thị trường châu Âu”, ông Hải cho biết.
Dự báo năm 2022, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỷ euro, tức là tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ euro). DN Việt Nam có thể thấy TMĐT xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại châu Âu và cơ hội thành công trên thị trường này rất lớn, nếu tiếp cận một cách bài bản và có một chiến lược dài hạn.
Theo quy định của EU, các giao dịch mua bán hàng hóa trên nền tảng TMĐT giữa Việt Nam và EU sắp tới dù vẫn phải trả thuế GTGT nhưng cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu lô hàng giá trị dưới 150 euro. Tất nhiên nhà cung ứng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng hóa của mình trước người tiêu dùng EU, theo các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, các DN Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên.
“Nếu nhà cung ứng TMĐT không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế GTGT. Như vậy nếu 1 sàn giao dịch điện tử nào của Việt Nam có chiến lược cung ứng dịch vụ đến EU đều phải tìm một đối tác đại diện tại EU để thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT của mình”, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết.
Để thông luồng xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn Thương mại điện tử Voso, cùng các Bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin & Truyền thông để hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
“Trước mắt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ Sàn TMĐT Voso phối hợp xây dựng 2 phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh, để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo bà con kiều bào Việt Nam ở châu Âu, cũng như người tiêu dùng châu Âu có nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Hai phiên bản này hiện vẫn đang tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện các quy trình vận hành, tính năng như đặt hàng, thanh toán quốc tế, cập nhật trạng thái vận chuyển đơn hàng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, thông tin nhà cung cấp...”, ông Hải cho biết.
TMĐT xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Với lợi thế của TMĐT có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, do vậy phạm vi nhóm hàng, sản phẩm và đối tượng bán hàng sẽ được mở rộng hơn trước.
Cơ hội này không chỉ cho DN xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Đây chính là những vấn đề mà DN, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt và thực hành thao tác thành thạo./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận