Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: PPP phải là Luật thông thoáng cùng có lợi
Thủ tướng khẳng định Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời theo hướng “một Luật thông thoáng cùng có lợi”.
Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nêu ý kiến tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay, Đảng, Quốc hội đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cũng cho rằng rất cấp bách, cần thiết để có Luật đầu tư theo hình thức công tư (PPP) để kêu gọi nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần phải có luật để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, để xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân tham gia.
Thủ tướng khẳng định, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đều thúc đẩy Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời theo hướng “một Luật thông thoáng cùng có lợi”.
“Lợi ích tối đa cho Nhà nước nhưng nguyên tắc là phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước nhưng nhà đầu tư có lợi thì họ mới làm. Họ không làm chính trị, họ làm kinh tế. Hai bên cùng có lợi, cùng phát triển, cùng hưởng lợi thì chúng ta mới có thể kêu gọi vốn trong dân, các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước cùng làm ăn.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ cần phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan. Bởi hiện nay, do vẫn còn sự chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên các nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thể chế rất quan trọng, nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư xã hội hóa rất tốt, giúp đất nước phát triển. Nếu giữ tư duy lạc hậu để mở ra hướng thu hút thì không thể phát triển đất nước.
Theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư, cả Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân, thì họ mới yên tâm đầu tư. Thủ tướng khẳng định, tất cả lĩnh vực phải mở rộng hơn để thu hút khối tư nhân tham gia theo phương châm "Nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm "yết hầu" kinh tế như chính sách tiền tệ, an ninh, quốc phòng...
Thiếu cơ chế tổng thể để thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện PPP do Chính phủ thực hiện có những kết quả rất tích cực. Các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần rất quan trọng trong hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, đô thị cũng như xử lý chất thải nước thải, rác thải, kịp thời giải quyết những nhu cầu bức xúc và dịch vụ công người dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế đối với các dự án BOT và đặc biệt là những dự án BT.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, hiện có quá nhiều luật điều chỉnh cho một dự án PPP nhưng lại không tạo môi trường ổn định cho đối tượng dự án này, nhất là thiếu cơ chế tổng thể để thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân.
“Nếu như không có Luật PPP thì các dự án PPP hiện nay đang triển khai sẽ bất cập hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư tư nhân và phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia và cũng sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ”- đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu rõ.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng thống nhất tinh thần Chính phủ báo cáo về việc luật PPP lần này phải quy định cả về thủ tục và nội dung mới đảm bảo tính đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng đầu tư công.
Liên quan đến phân cấp thẩm quyền, quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu đoàn TP Hải Phòng cho rằng, trong dự thảo đã có sự xử lý hài hòa nội dung giữa công và tư, giữa Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, các dự án lớn trình Thủ tướng Chính phủ, còn địa phương cũng đồng thuận với việc Hội đồng nhân dân sẽ có thể bàn quyết định chủ trương đầu tư mà có cần thiết phải trực tiếp để ra quyết định chủ trương đầu tư thì cần phải cân nhắc.
“Dự án PPP sử dụng tài sản công, đất đai, trụ sở hay vốn ngân sách nhà nước, các mức cả, phí dịch vụ đều thông qua Hội đồng nhân dân, nếu thêm một bước Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương thì có kéo dài thêm thủ tục hay không cân đối trong dự thảo”- đại biểu Tùng nêu rõ./.
Thy Hạt/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận