Thủ tướng: Không thể chấp nhận mức nhập siêu dưới 3 tỷ USD
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng tình với mục tiêu nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) được Bộ Công Thương đề ra cho năm 2019 khi năm qua đã xuất siêu kỷ lục.“Bứt phá của ngành công thương là ở đâu”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Sáng 17/1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương, Thủ tướng nhắc lại đánh giá tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ (15/1/2018): "Bộ đã có những đổi mới, quyết liệt, thành công trong năm 2017 rồi thì năm 2018 phải đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để đạt và vượt ở mức cận trên tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao cho năm 2018, để đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập, phát triển đất nước".
Cũng tại hội nghị đó, Thủ tướng đã đặt nhiều câu hỏi: Làm sao trong năm tới sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Làm sao thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp, làm sao ngành công thương ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu, đồng thời giữ vững thị trường trong nước. Làm sao tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ là tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin. Làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam…
“Một năm trôi qua, ngay từ quý I, các đồng chí đã suy nghĩ, tổ chức thực hiện rất nghiêm túc những chủ trương quan trọng của Chính phủ”, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được thực hiện thành công, có hiệu quả. Đây chính là tiền đề cho các kết quả nổi bật mà ngành công thương đạt được trong năm qua. “Điều đó cho thấy các đồng chí ở Bộ Công Thương biết tổ chức triển khai công việc, giữ lời hứa, lời nói và hành động đi liền nhau, trong đó có nhiều việc làm quyết liệt, hiệu quả thực sự”.
Nhiều chỉ tiêu vượt xa yêu cầu đặt ra. Công nghiệp và thương mại đóng góp đến 80% GDP, hiện chiếm 0,29% GDP toàn cầu (trong khi các năm trước chỉ chiếm 0,18%).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Là nước có quy mô dân số đứng thứ 12-13 trên thế giới nhưng Việt Nam có một số ngành hàng đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD; 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực FDI.
Thủ tướng chia sẻ, ông đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, một số Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đi xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài, còn gọi là “đi bán hàng xuất khẩu cho các đồng chí”, qua đó tìm nhiều thị trường xuất khẩu cho đất nước.
Đánh giá cao việc nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt hơn 72%, Thủ tướng cho rằng, Bộ đã đi đầu trong công tác này, “rất đáng hoan nghênh”. “Anh phải giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng làm, chứ nếu vì quyền lợi của ngành mình, cục bộ, không nhìn đại cục thì không thể phát triển được, Thủ tướng nói.
Bên cạnh kết quả tích cực, theo Thủ tướng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyến điểm, tồn tại như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành công thương còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý (ví dụ quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tải tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...).
Ngành công nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt.
Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hành lý của ngành công thương là gì?
Vì vậy, Bộ Công Thương với thành tích đã đạt được không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước để cả nước chúng ta lên chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0.
“Hành lý của ngành công thương đã có những gì, sẽ cần những gì trên chuyến tàu ấy là một câu hỏi rất lớn đối với các đồng chí”, Thủ tướng nói và dẫn ý kiến các chuyên gia kinh tế mà ông đọc được trong bản tin hôm qua. Theo đó, Việt Nam được nhìn nhận là đang đứng trước thời cơ lớn để tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, thay đổi căn bản trong thương mại toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và cải tổ WTO, thúc đẩy chiến lược Trung Quốc +1 và "làn gió Phương Nam của Hàn Quốc". Việt Nam là điểm giao thoa lý tưởng trong làn sóng tìm đến điểm mới của các tập đoàn toàn cầu, là nơi lựa chọn hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược và sự kết nối với Trung Quốc, nhưng lợi thế nhân công thấp không đủ để đẩy nhanh tiến trình này.
“Chuyến tàu này đang là thời cơ và vận hội của Việt Nam. Chúng ta có biến thời cơ thành vận hội hay không? Đây là câu hỏi cho các nhà đầu tư, cho ngành quản lý, cho các bộ trưởng, đặt biệt là Bộ trưởng Bộ Công Thương”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề về việc Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, là địa bàn dịch chuyển đầu tư.
Nhắc lại phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng giao “đầu bài”, bứt phá của ngành công thương là ở đâu?
“Việt Nam có thể thành con hổ, có thể thành con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành công thương Việt Nam. Tôi muốn đưa vấn đề này ra tại hội nghị này để Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, các nhà sản xuất kinh doanh, các địa phương ở đây cùng thảo luận cùng phát triển trong tương lai”.
Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương trong vòng 3 ngày đã có 1 chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng không đồng tình với mục tiêu Bộ đề ra là nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) so với kim ngạch nhập khẩu, “là mức nhập siêu không thể chấp nhận, vì năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu”. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hàng hóa bán lẻ doanh thu dịch vụ phải tăng cao 12, 13%; bảo đảm cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện tăng trên 10% so với năm 2018 và nhắc lại lời cảnh báo “cán bộ để mất điện thì sẽ mất chức”.
Ngoài các giải pháp nêu trong Nghị quyết 01, 02, Thủ tướng nêu rõ giải pháp quan trọng với ngành công thương là khoa học công nghệ, đặc biệt là kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Đổi mới công tác triển khai, lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành công thương, để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin-cho, chậm trễ.
Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất, chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ Công Thương cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, mau lẹ, kịp thời hơn.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành công thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
Nhắc đến sự thi đấu quyết liệt, đồng bộ các tuyến của đội tuyển Bóng đá Việt Nam trong trận gặp Yemen tối 16/1 tại Asian Cup, Thủ tướng nhấn mạnh từng bộ, từng hiệp hội, tập đoàn, từng doanh nghiệp, từng tỉnh phải có chương trình phát triển công thương, phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu, phát triển dịch vụ, sản xuất công nghiệp và thương mại. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi.
Đức Tuân ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận