Tăng giá điện: EVN tăng doanh thu 8.000 tỷ đồng, các hộ sử dụng ảnh hưởng ra sao?
Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 4/5/2023 có tác động đến các nhóm khách hàng, đặc biệt là các hộ sản xuất sẽ phải chi phí thêm 307.000 đồng/tháng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có quyết định chính thức điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Hộ dùng ít nhất trả thêm 2.500 đồng; nhiều nhất 307.000 đồng/tháng
Tại cuộc họp thông tin về việc điều chỉnh giá điện chiều 4/5, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/hộ. Sau khi thay đổi giá bán lẻ điện từ ngày 4/5, mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/hộ. Đối với 1,822 triệu hộ sản xuất, trước ngày 4/5 mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/hộ.
Với các hộ tiêu thụ điện sinh hoạt theo biểu giá bậc thang, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của các hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng sau khi điều chỉnh là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ đến 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Đối với các hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm mỗi tháng sẽ là 11.100 đồng. (Số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cũng theo tính toán của EVN, 4,96 triệu hộ (chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt) thường sử dụng đến 300 kWh/tháng sau khi điều chỉnh giá mỗi hộ sẽ phải trả thêm 18.700 đồng/tháng. Còn lại các hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng trở lên (số hộ sử dụng điện từ 301- 400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt) mỗi tháng sẽ trả thêm 27.200 đồng/hộ.
Doanh thu EVN tăng hơn 8.000 tỷ đồng
Đánh giá hiệu quả của việc tăng giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, mức tăng giá lần này đã phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Thời gian còn lại của năm 2023 khoảng 8 tháng, với việc điều chỉnh giá bình quân này doanh thu tập đoàn tăng thêm cỡ khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Đánh giá tác động của tăng giá điện đối với CPI, ông Nam tính toán nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng 0,17%, nên việc tăng giá 3% sẽ có tác động lên CPI rất nhỏ.
“Cùng với các giải pháp nội tại như tiết giảm chi phí (cắt giảm tới 15% chi phí sửa chữa lớn) và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện; đồng thời huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ, việc tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Hiện nay EVN tiền hành làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá bán đầu vào để giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, EVN cũng đàm phán các nhà đầu tư có nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo để có đảm bảo hài hòa lợi ích EVN và chủ đầu tư. Đồng thời, EVN sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ liên quan đến các chi phí đầu vào…”, ông Nam cho biết.
Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi.
Tại cuộc họp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng. Để đảm bảo an toàn bền vững trong cung ứng và tiêu thụ điện lâu dài, tránh có những thay đổi đột biến, toàn hệ thống vẫn phải tăng cường triệt để các giải pháp về tiết kiệm điện. Tiệt kiệm điện luôn được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận