Sản xuất công nghiệp phục hồi từ sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao
Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo dần thích ứng, nhanh nhạy tìm ra cách để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn có xu hướng phức tạp.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo tiếp tục sẽ có nhiều thuận lợi từ chủ trương “sống chung” an toàn với Covid-19 của Chính phủ và sự hưởng ứng, nhanh nhạy của các DN khi dần tìm ra cách để duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng được thông suốt trong điều kiện dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp. Cùng với đó, đơn hàng xuất khẩu của nhiều lĩnh vực đã tương đối dồi dào.
Sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao là lợi thế của nhiều DN chế biến, chế tạo.
Khôi phục chuỗi cung ứng
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết Quý II/2022, là cơ sở đảm bảo cho các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Riêng với Nike, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, đại diện Lefaso thông tin thêm.
Nhìn nhận về kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng qua, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phân tích, hoạt động của các khu công nghiệp, kể cả phía Bắc và phía Nam đã bắt đầu ổn định lại. Chuỗi cung ứng được nối lại, các hoạt động xúc tiến thương mại được khôi phục và sự liên kết giữa các bộ phận đã được cải thiện.
“Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã tập trung vào các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Việt Nam có tới 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trở lên đều là những mặt hàng công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ví dụ như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy móc, thiết bị…”, ông Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Nỗi lo nguồn nhân lực và giá nguyên, nhiên liệu
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4/2021 đã tấn công vào các trung tâm sản xuất công nghiệp đã gây ra khó khăn rất lớn cho công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Sản xuất công nghiệp suy giảm khiến lực lượng lao động trong các khu công nghiệp đã bị tản mát nhất định, do vậy, việc tập hợp và tuyển dụng mới được những lao động tay nghề cao lúc này là vấn đề đáng lưu tâm.
Cùng với đó, giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Khi phục hồi kinh tế, tất yếu nhu cầu về xăng dầu sẽ tăng cao, thậm chí tăng đột biến. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu đang bị ảnh hưởng lớn do xung đột Nga-Ukraine cũng như sự bất ổn ở vùng Trung Đông, khiến giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM chia sẻ, hiện nhiều DN dệt may đặt nhà máy sản xuất ở nhiều địa phương, chưa kể DN phải thường xuyên vận chuyển nguyên phụ liệu từ cảng về nhà máy phục vụ sản xuất, hàng hóa phục vụ xuất khẩu. “Phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các nhà máy sẽ tăng theo giá xăng. Ngoài ra, với một số DN có khâu sản xuất như dệt hoàn tất sẽ bị tác động mạnh hơn, do các máy móc sử dụng dầu FO để hoạt động”, ông Hồng nói.
Các DN chế tạo tập trung phục hồi sản xuất ngay từ đầu năm 2022.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đến thời điểm này, chi phí vận tải tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ. Dự báo phải đến nửa cuối năm 2022 khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết… là những rào cản tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine, đây là giải pháp căn cơ để các DN phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Đồng thời, mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho DN.
Đại diện Lefaso cho rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp DN da giày trong nước sớm phục hồi sản xuất, Chính phủ và các bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để DN tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ DN tận dụng được các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics… Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và vùng nguyên liệu mới.../.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận