Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp
Đến thời điểm này đã có khoảng 1/3 số ngân hàng trong hệ thống hạ lãi suất huy động để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.
Theo thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần đầu tháng 3 (2-6/3/2020) mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, tuần qua, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đến thời điểm này đã có khoảng 1/3 số ngân hàng trong hệ thống hạ lãi suất huy động, tuy nhiên mức điều chỉnh không lớn, chỉ từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm.
Theo thông báo từ VietinBank, từ nay đến 30/6 tới, căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng sẽ được xem xét áp dụng ưu đãi giảm trừ lãi suất cho vay từ 1,25% - 3%/năm so với mức sàn lãi suất cho vay thông thường. Ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với dư nợ cũ trong thời gian tối đa 6 tháng.
Tương tự, Eximbank cũng triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp lớn và gói cho vay USD với tổng hạn mức là 50 triệu USD, lãi suất vay chỉ từ 3,2%/năm.
Theo ước tính ban đầu, ngân hàng sẽ có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có khoảng 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân. Các khách hàng doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: du lịch, giải trí nhà hàng, khách sạn, hàng không, dịch vụ vận tải và kho bãi, thực phẩm và đồ uống, hàng gia dụng và đồ dùng cá nhân, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ, giáo dục và đào tạo.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, VIB đã điều chỉnh giảm lãi vay đối với khách hàng doanh nghiệp, bình quân lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm khoảng 0,5%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã áp dụng chính sách giảm lãi suất, ưu đãi cho vay doanh nghiệp như: ACB, MBBank, Agribank, VPBank, Vietcombank… Toàn ngành ngân hàng đã cam kết gói tín dụng hỗ trợ với nhiều ưu đãi lên tới 285.000 tỷ đồng.
Đồng hành cùng các ngân hàng, NHNN đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh như: yêu cầu các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ… Với những động thái tích cực này, các chuyên gia kinh tế dự đoán, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới./.
Chung Thủy/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận