Nhà cung cấp nước ngoài "ngồi trên máy bay" cũng nộp được thuế cho Việt Nam
Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.
Dư địa thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử còn lớn
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số thu thuế qua các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới tính đến năm 2021 là khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Facebook, Google, Microsoft… Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với thực tế hoạt động của các nền tảng mạng xã hội này tại Việt Nam - một thị trường đang ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, một số nhà cung cấp lớn trên thế giới cung cấp dịch vụ nội dung số xuyên biên giới cũng đã có mặt tại Việt Nam. Theo thống kê, dịch vụ xem truyền hình trả tiền của Netflix đang đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến phổ biến chỉ sau FPT Play với trên 300.000 thuê bao.
Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6/2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam.
Trong 2 năm tính từ 2019 tới tháng 6/2021, dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động mua bán online trên nền tảng này tăng vọt. Hiện Việt Nam cũng là nơi sử dụng Facebook Messenger để quảng bá, bán hàng và chăm sóc khách hàng online nhiều hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực. Doanh nghiệp, cá nhân cũng sử dụng các mạng xã hội, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để thực hiện hoạt động mua, bán hàng hóa xuyên biên giới giữa hai bên dưới các hình thức không ký kết hợp đồng mua bán, gây khó kiểm soát cho cơ quan chức năng.
Ngồi trên máy bay cũng nộp được thuế
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, để tạo thuận lợi tối đa cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) thực hiện tốt nghĩa vụ của mình với NSNN, Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành riêng cho các NCCNN thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Phụng, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trước đây đã thực hiện nộp thuế thông qua đối tác, tức là khấu trừ thuế tại nguồn. Nay họ chỉ cần có thư điện tử và thiết bị kết nối Internet. Sau khi khai doanh thu, chọn lĩnh vực kinh doanh, hệ thống sẽ tự động tính tiền thuế phải nộp và cung cấp địa chỉ, tài khoản nộp thuế.
Với mục tiêu phục vụ các NCCNN có hoạt động kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Cổng TTĐT dành cho NCCNN được xây dựng với 4 chức năng chính: đăng ký thuế, kê khai thuế, tra cứu thông tin nộp thuế, tra cứu thông tin hồ sơ khai thuế.
“Toàn bộ các thủ tục về thuế nêu trên được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử. NCCNN ở bất cứ nơi đâu trên thế giới và lúc nào, dù ngồi trên máy bay đều có thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam thông qua cổng TTĐT này”, ông Phụng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Phụng nêu rõ, việc đăng ký thuế để được cấp mã số thuế (MST) của NCCNN được thực hiện trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam. Đối với đăng ký thuế lần đầu, NCCNN thực hiện đăng ký thuế theo mẫu biểu quy định dành cho NCCNN. Các giao dịch giữa NCCNN và cơ quan thuế sẽ thực hiện bằng phương thức điện tử.
Điều kiện để đăng ký giao dịch thuế điện tử đó là: có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có 1 địa chỉ thư điện tử chính thức giao dịch với cơ quan thuế để nhận tất cả các thông báo tương tác cũng như các thông tin trao đổi trong quá trình thực hiện giao dịch với cơ quan thuế. Mẫu tờ khai đăng ký thuế của NCCNN đơn giản, bao gồm 18 chỉ tiêu, chủ yếu là các thông tin định danh. Tuy nhiên, để giúp các NCCNN thuận lợi, dễ dàng trong việc khai tờ khai đăng ký thuế, tại chức năng đăng ký thuế đã tích hợp sẵn hướng dẫn kê khai từng chỉ tiêu trên tờ khai đăng ký thuế.
“Thủ tục, điều kiện thực hiện đăng ký để được cấp MST của NCCNN được rút gọn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin cho người nộp thuế”, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.
Về thủ tục về kê khai thuế: đối với NCCNN sẽ thực hiện khai và nộp theo quý. Do đó, cơ quan thuế đã tích hợp sẵn hướng dẫn chi tiết đối với từng chỉ tiêu trên tờ khai thuế để giúp người nộp thuế khai đúng, khai đủ tại chức năng kê khai thuế trên Cổng TTĐT. Để thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, NCCNN có thể thực hiện bằng 14 loại ngoại tệ tự do chuyển đổi đang được dùng phổ biến trên thế giới là: USD, EUR, GBP, AUD, CAD, CHF, DKK, HKD, JPY, NOK, SEK, SGD, THB, VND. NCCNN sử dụng loại ngoại tệ nào kê khai thì sẽ nộp thuế bằng loại ngoại tệ đó.
NCCNN sẽ được tính thuế theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu. Tương tự như đăng ký thuế, việc xác thực để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin kê khai cho người nộp thuế sẽ được thực hiện bằng mã xác thực gửi đến địa chỉ email đã đăng ký của NCCNN.
“Để giúp NCCNN kiểm soát các hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế, các khoản tiền thuế đã nộp, Cổng TTĐT xây dựng chức năng để NCCNN có thể tra cứu thông tin về các khoản thuế đã nộp và các hồ sơ khai thuế đã nộp tại chức năng tra cứu trên Cổng TTĐT NCCNN. Như vậy, với hệ thống căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các NCCNN đã hoàn thiện, cộng với việc Tổng cục Thuế chủ động xây dựng Cổng TTĐT này thì NCCNN có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới”, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn khẳng định./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận