Nguy cơ vỡ “bom nợ” trái phiếu đã dần hiện rõ
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm gần đây là đáng mừng, nhưng bên cạnh đó là tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khi chất lượng doanh nghiệp thấp nhưng vẫn phát hành bằng mọi giá. Điều này đem đến những rủi ro cho nhà đầu tư tại thị trường này.
4 rủi ro khi đầu tư vào thị trường trái phiếu
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành. Các con số này cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng. Đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.
Về nhà đầu tư, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, tổ chức tín dụng chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,68%).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho biết, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện.
Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn.
Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Thanh khoản trung bình theo ngày của trái phiếu niêm yết là 131.3 tỷ đồng, tương đương với 0,75% giá trị phát hành trên HOSE là 17.530 tỷ đồng. Thanh khoản của thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn với tỷ lệ luân chuyển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chỉ ở mức 0,08 lần và đang ở mức rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.
Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất. Định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất.
Cuối cùng, rủi ro khác bao gồm: rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…
“Để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí… Phát hành trái phiếu nếu làm khéo sẽ trở thành kênh “cứu cánh” cho cho thị trường tài chính Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Không nên kiếm lợi nhuận bằng mọi giá
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như: bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản, trái phiếu… Để đưa ra quyết định, nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Bởi lẽ, không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro.
“Thường các công ty tư vấn sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro vào nhiều kênh đầu tư khác nhau. Khi nhà đầu tư đã chấp nhận được rủi ro để đem một phần tài sản bỏ vào thị trường trái phiếu thì lúc đó mới tiếp tục bàn đến câu chuyện lựa chọn loại trái phiếu để phù hợp khẩu vị rủi ro”, ông Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo ông Quỳnh, nếu chỉ đặt ở góc độ rủi ro, rất dễ để tìm loại trái phiếu an toàn. Trong đó, nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.
"Chọn trái phiếu ít rủi ro thì rất dễ. Chọn trái phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro, điều kiện tài chính, kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư mới khó", ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho hay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cơ hội và rủi ro là hai yếu tố luôn song hành. Theo đó, dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch bệnh thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận.
“Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100.000 doanh nghiệp. Và không ai dám chắc rằng, trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu. Nguy cơ vỡ “bom nợ” trái phiếu đã dần hiện rõ, đặc biệt ở nhóm bất động sản”, ông Hiếu cảnh báo.
Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ lắng đọng ở hiện tại thông qua ham muốn lãi suất cao, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới.
“Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận