Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực cho phát triển đất nước
Trong suốt 78 năm kể từ khi được thành lập, ngành ngoại giao là mặt trận chiến lược trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và là lực lượng tiên phong trong thiết lập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường đối ngoại ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Là một trong bốn trụ cột của ngành, công tác ngoại giao kinh tế là nội hàm, nhiệm vụ xuyên suốt phục vụ thiết thực nhất cho phát triển đất nước.
Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Ngay từ những năm giữa thập niên 70 khi đất nước sắp được thống nhất, ngành ngoại giao đã sớm xác định cần một phương hướng mới là ngoại giao kinh tế để phục vụ đất nước phục hồi sau chiến tranh.
Tổ công tác nghiên cứu về kinh tế của Bộ Ngoại giao được thành lập, tiên phong tìm hiểu, nghiên cứu mô hình, xu thế phát triển của kinh tế thế giới và tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế, khắc phục các khó khăn như chống lạm phát, giải quyết vấn đề nợ; mạnh dạn đề xuất ý tưởng đổi mới và mang tính đột phá về kinh tế, góp phần khởi nguồn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước; tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, vận động viện trợ phục vụ tái thiết đất nước và nỗ lực triển khai các chính sách phá bao vây, cấm vận.
Bước sang những năm 90 và đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, ngoại giao nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng; vận động, thu hút đầu tư FDI, viện trợ ODA từ các đối tác; quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, qua đó đóng góp vào những thành tựu quan trọng về thương mại, đầu tư, du lịch… trong những năm qua.
Ngành ngoại giao cũng chủ động, tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam; tham mưu chiến lược về sự tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương; hỗ trợ vận động, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, góp phần mở rộng không gian phát triển, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu và ngày càng củng cố, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Tích cực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng. Đại hội XIII khẳng định bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Văn kiện Đại hội cũng lần đầu tiên đề ra định hướng “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy truyền thống của ngành ngoại giao, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được ngành ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ngoại giao vắc-xin góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin, tạo cơ sở để đất nước phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh thế giới và đất nước đối mặt những thách thức chưa có tiền lệ, nhất là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai chủ động, tích cực, trong đó, ngoại giao vắc-xin là điểm sáng nhất, đạt kết quả vượt kỳ vọng, đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là Tổ trưởng, đã tham mưu lãnh đạo cấp cao điện đàm, tiếp xúc, trao đổi, gửi thư tới lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn sản xuất vắc-xin để vận động viện trợ, cung ứng vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị và chuyển giao công nghệ.
Kết quả là, từ 117,6 nghìn liều vắc-xin đầu tiên vào tháng 2/2021, đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều, vượt chỉ tiêu 150 triệu liều theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ nước ngoài đạt hơn 120 triệu liều, chiếm gần 50%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (gần 23 nghìn tỷ đồng).
Chiến dịch ngoại giao vắc-xin cũng là chiến dịch ngoại giao quy mô và chưa có tiền lệ trong lịch sử, đóng góp vào thành công của chiến lược vắc-xin của Chính phủ, giúp Việt Nam đi sau, về trước về tiêm chủng và tạo cơ sở quan trọng và có ý nghĩa quyết định để đất nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Ngoại giao kinh tế kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vắc-xin sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm. Quán triệt chủ trương Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao 31, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương cụ thể hóa những quan điểm, chỉ đạo quan trọng thành những nhiệm vụ trọng tâm. Công tác ngoại giao kinh tế có sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trước tiên, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, góp phần làm sâu sắc quan hệ kinh tế với các đối tác, tranh thủ tối đa các nguồn lực và duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.
Trong gần 100 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt từ đầu năm 2022 đến nay, hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm, đạt các kết quả cụ thể, thực chất với nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết. Việt Nam thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới mang tính đột phá như Đối tác kinh tế số-Kinh tế xanh với Singapore, ODA thế hệ mới với Nhật Bản, Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg, MOU hợp tác với WEF giai đoạn 2023-2026…
Thứ hai, ngành ngoại giao đóng góp tích cực vào đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; tích cực vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới, các nguồn tài chính xanh, đầu tư phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao...
Nổi bật là việc Việt Nam ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và châu Âu với nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; thu hút thành công nhiều dự án đầu tư xanh và công nghệ cao; thiết lập các khuôn khổ hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế...
Thứ ba, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao tích cực đồng hành, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh tế.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hỗ trợ phục hồi du lịch ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế và tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách thị thực thuận lợi cho khách du lịch quốc tế; đẩy mạnh các cuộc họp giao ban ngoại giao kinh tế để giúp các hiệp hội, ngành hàng nắm bắt thêm thông tin thị trường và tham mưu định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và mở rộng thị trường xuất khẩu...
Thứ tư, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược phục vụ điều hành kinh tế-xã hội được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh. Bộ Ngoại giao kịp thời xây dựng các báo cáo tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề thời sự của kinh tế thế giới, khu vực và các vấn đề nổi lên có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế đất nước.
Phát huy vai trò là động lực quan trọng
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong sáu tháng cuối năm 2023, Bộ Ngoại giao tập trung đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế theo ba định hướng lớn. Một là, tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước, chủ động, tích cực hơn trong kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước; tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác, đồng thời bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác.
Hai là, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, cũng như các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo... Ba là, tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế.
Phát huy các kết quả đạt được và truyền thống 78 năm vẻ vang và với quyết tâm cao nhất, ngành ngoại giao tiếp tục đưa công tác ngoại giao kinh tế thật sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
Theo: https://nhandan.vn/ngoai-giao-kinh-te-dong-gop-tich-cuc-cho-phat-trien-d...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận