Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
11 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%. Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, ở góc độ ngành hàng trong 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019, đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 44,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,1%...
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 như điện thoại các loại và linh kiện giảm 3,4%; hàng dệt và may mặc giảm 10,5%; giày dép các loại giảm 9,8%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 17,9%...
Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng…, việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Về thị trường, 11 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu; khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu.../.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận